1 dự án BĐS Trung Quốc đã đình trệ 3 năm, có người đã cọc 8 tỷ đồng nhưng nguy cơ mất trắng
“Tôi sẽ không bao giờ đầu tư vào nơi này nữa”, một cư dân than phiền.
Tại trung tâm thành phố Thạch Gia Trang phía bắc Trung Quốc, tấm băng dôn in khẩu hiệu “Hạnh phúc mỗi ngày” nằm lệch lạc trước khu chung cư xây dở. Đây là lời nhắc nhở sâu sắc nhất về sự sụp đổ của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, sau khi khủng hoảng bất động sản càn quét toàn đại lục.
Dự án Central Plaza của Evergrande vốn đã đình trệ từ năm 2021. Thông báo trên trang web cho biết một nhà phát triển mới đang được tìm kiếm để nhanh chóng tiếp quản. Giới chức Trung Quốc khẳng định việc hoàn thiện những ngôi nhà dang dở là ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, những người dân đặt cọc mua nhà từ nhiều năm trước vẫn đang mắc kẹt. Một cư dân 38 tuổi mua 2 căn hộ chưa hoàn thiện với giá hơn 350.000 USD vào năm 2017 cho biết: “Chúng tôi chẳng có cách nào giải quyết vấn đề này”.
Dự án ở Thạch Gia Trang, một thành phố công nghiệp với khoảng 11 triệu dân, cho thấy sự sụp đổ của Evergrande khiến niềm tin người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào.
“Điều này khiến tôi mất niềm tin vào cơ quan quản lý nhà ở cũng như bất động sản”, người mua nhà của Evergrande nói với Reuters.
Ngân hàng đầu tư Nomura ước tính vào tháng 11 rằng có khoảng 20 triệu căn nhà chưa hoàn thiện trên khắp Trung Quốc. Ước tính tổng kinh phí thiếu hụt để hoàn thành các dự án này rơi vào khoảng 446 tỷ USD.
Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc, ước tính tính đến năm ngoái, khoản thanh toán đặt cọc trước mà Evergrande đã nhận từ người mua nhà tương đương khoảng 600.000 đơn vị nhà ở. Hiện chính quyền địa phương đang cố gắng tiếp quản một số dự án bị đình trệ theo chính sách “bảo đảm giao nhà”.
Tờ Reuters không thể xác minh chính xác tổng số dự án Evergrande còn dang dở ở Thạch Gia Trang. Tháng trước, chính quyền địa phương tuyên bố đã hoàn thành 40 trên tổng số 44 dự án nhà ở mà họ đã tiếp quản trong năm 2021. Không có dự án nào thuộc về Evergrande.
Ở vùng ngoại ô nông thôn Thạch Gia Trang, hoạt động xây dựng đã được nối lại tại một khu dự án nhà ở do Evergrande thực hiện. Dự án bao gồm 48 khu dân cư với gần 3.600 căn hộ; cỏ dại mọc um tùm khắp các con đường đất đá.
Theo các công nhân và quan chức địa phương, việc xây dựng đã được tiếp tục vào năm ngoái sau khi dự án được chính quyền địa phương tiếp quản. Một số tòa nhà đã hoàn thiện.
Trung Quốc chưa tiết lộ số tiền đã chi ra để hoàn thành các dự án phát triển bị mắc kẹt. Bộ nhà ở Trung Quốc cho biết trong tháng 8, hơn 1,65 triệu căn hộ đã được bàn giao theo chương trình này.
Bất chấp việc giới chức Trung Quốc nỗ lực cứu nguy lĩnh vực bất động sản, một cư dân Thạch Gia Trang vẫn cho rằng việc mua căn hộ mới bây giờ là quá rủi ro. Anh hối hận vì đã không dồn tiền mua nhà ở Tokyo hoặc Osaka.
“Tôi sẽ không bao giờ đầu tư vào nơi này nữa”, ông nói với Reuters.
Hiện tình trạng mất niềm tin sâu sắc đang ngày càng gia tăng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Rắc rối lên tới đỉnh điểm khi mới đây, phía tòa án lệnh cho ‘gã khổng lồ’ một thời Evergrande ngừng hoạt động và thanh lý tài sản.
Giống như ngành công nghiệp mà nó từng thống trị, Evergrande chật vật tồn tại trong 2 năm sau khi không thể thanh toán trái phiếu đáo hạn cho các nhà đầu tư. Đợt suy thoái, vốn kéo dài nhất trong lịch sử, không hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Năm 2023, doanh số bán nhà ở của Trung Quốc giảm 6,5%. Theo Dongxing Securities, một ngân hàng đầu tư Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 12, doanh số bán hàng đã giảm 17,1% so với một năm trước đó. Hoạt động đầu tư cho các dự án mới cũng chậm lại.
“Thị trường vẫn chưa chạm đáy. Vẫn còn một chặng đường dài để đi”, Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói.
Năm ngoái, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng dồn nén, thị trường bất động sản vẫn giảm tốc. Vấn đề xuất hiện từ khi Bắc Kinh lo ngại bong bóng nhà đất, đồng thời đưa ra loạt quy định vào năm 2020 nhằm hạn chế động thái vay vốn quá mức. Không thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng như trước, các nhà phát triển bất động sản chật vật thanh toán trái phiếu đến hạn và hoàn thành dự án còn dang dở.
Theo ông Xiao Yuanqi, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc, các ngân hàng không nên cắt ngay lập tức các khoản cho vay đối với những dự án gặp khó. Tuần trước, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính cho biết sẽ nới lỏng quy định đối với một số nhà phát triển để kịp hạn thanh toán trái phiếu.
Kể từ năm 2021, hơn 50 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ, trong đó có 2 tập đoàn lớn là Evergrande và Country Garden. Từng là đối thủ chính của Evergrande, Country Garden vỡ nợ vào tháng 10. Tình hình của công ty trở nên tồi tệ vì doanh số bán hàng sụt giảm.
Hồi năm ngoái, Bắc Kinh và chính quyền địa phương đã tung ra nhiều biện pháp khuyến khích để thu hút người mua nhà quay trở lại, đồng thời thúc giục các ngân hàng cho vay và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn nhất của Trung Quốc khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2023 sau đà trượt dốc kéo dài, song đáng tiếc, quá trình phục hồi đang mất dần sức sống và không đồng đều.
Theo: Reuters, The New York Times