1 phút hiểu bất động sản: Đề xuất đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng dành cho đối tượng nào? Lộ trình ra sao?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về phương án đánh thuế 20% trên phần lãi chuyển nhượng bất động sản của cá nhân, thay thế mức thuế khoán 2% hiện hành.
Ai là đối tượng bị đánh thuế 20%?
Theo dự thảo, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản – bao gồm đất đai, nhà ở, căn hộ – sẽ là đối tượng chịu thuế theo mức 20% trên phần lợi nhuận ròng của giao dịch (tức giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lệ).
Với các trường hợp không xác định được giá gốc hoặc chi phí đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất cách tính thuế theo thời gian nắm giữ bất động sản, cụ thể:
- Dưới 2 năm: thuế suất 10%
- Từ 2–5 năm: 6%
- Từ 5–10 năm: 4%
- Trên 10 năm hoặc trường hợp thừa kế, tặng cho trong gia đình: 2%
Các giao dịch giữa người thân thuộc diện miễn thuế hiện hành (như tặng, thừa kế giữa cha mẹ – con, vợ – chồng...) không bị ảnh hưởng.
Vì sao cần thay đổi cách tính thuế?
Theo Bộ Tài chính, mức thuế khoán 2% hiện nay chưa phản ánh đúng bản chất lãi – lỗ của từng giao dịch. Trong nhiều trường hợp, cá nhân bán lỗ vẫn phải nộp thuế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu công bằng và có thể gây thất thu ngân sách.
Việc chuyển sang đánh thuế 20% trên phần lãi được cho là hợp lý hơn, tương tự mô hình thuế mà nhiều quốc gia đang áp dụng. Đặc biệt, mức thuế theo thời gian nắm giữ sẽ giúp phân loại rõ nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu cơ, từ đó hạn chế tình trạng "lướt sóng" thổi giá bất động sản.
Khi nào có thể được áp dụng?
Bộ Tài chính khẳng định cần có lộ trình cụ thể, đặc biệt là điều kiện về hạ tầng dữ liệu đất đai và thuế. Khi hệ thống quản lý giá mua – bán, chi phí đầu tư và lịch sử giao dịch được hoàn thiện, việc xác định lợi nhuận ròng mới khả thi.
Trước mắt, cơ quan soạn thảo đề xuất triển khai thí điểm tại một số địa phương lớn, có năng lực công nghệ và thị trường bất động sản phát triển. Thời gian áp dụng chính thức nhiều khả năng sẽ rơi vào sau năm 2026, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi được ban hành.
Kỳ Thư