120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn trong năm 2024, cao nhất trong nửa thập kỷ qua
Với áp lực từ một lượng lớn trái phiếu bất động sản đến hạn khoảng 120.000 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, FiinRatings đánh giá rủi ro tái cấp vốn vẫn ở mức cao đối với các nhà phát triển bất động sản.
Trong báo cáo mới đây, FiinRatings cho rằng, trong năm 2023, những thay đổi về khung pháp lý chưa được thông qua, cũng như các sự kiện thanh tra, điều tra vẫn còn là trở ngại lớn cho sự khôi phục của thị trường bất động sản.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng các dự án nhà ở thương mại được cấp phép trong năm 2023 rất hạn chế, tuy nhiên số lượng dự án đang triển khai lại ở mức cao kỷ lục. Điều này phản ánh tâm lý e ngại chung trên thị trường, cụ thể số lượng giao dịch suy giảm ở cả loại hình nhà ở thành phẩm và đất nền, cũng như các dự án đang triển khai phải tạm dừng.
Theo quan sát của đơn vị này, phần lớn các nhà phát triển đang đối mặt với áp lực huy động vốn để triển khai dự án tại các khu đất đã tích lũy từ nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát. Đồng thời việc phải tìm các phương án tái tài trợ các khoản nợ cũ sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến cơ cấu nguồn vốn và tình trạng thanh khoản.
Về triển vọng 2024, FiinRatings cho rằng, các nhà phát triển bất động sản dân cư vẫn tiếp tục đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế tác động đến nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.
Ở khía cách tích cực, các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024 sẽ giúp tạo tiền đề cho sự hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, FiinRatings cho rằng, các chính sách mới sẽ có độ trễ nhất định và cần thời gian để phát huy hiệu quả. Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành 9 nghị định, 6 thông tư hướng dẫn thi hành trong năm 2024 để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình này
Nhìn chung, với áp lực từ một lượng lớn trái phiếu bất động sản đến hạn khoảng 120.000 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, FiinRatings đánh giá rủi ro tái cấp vốn vẫn ở mức cao đối với các nhà phát triển bất động sản.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự phân hóa mạnh trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp trong ngành trước các diễn biến khó khăn chung của thị trường kéo dài từ năm 2022 tới nay.
"Các doanh nghiệp có thương hiệu tốt, chất lượng dự án được đảm bảo với dòng sản phẩm đa dạng, cùng quỹ đất sạch được tích lũy qua lịch sử hoạt động lâu năm, đi kèm khả năng triển khai và thực thi dự án được kỳ vọng sẽ có thể tiếp cận đa dạng các kênh huy động vốn, và có sức chống chịu tốt hơn trước các diễn biến bất lợi của thị trường", FiinRatings cho hay.