145.000 tỷ vốn FDI đổ về một tỉnh " bé hạt tiêu" phía Bắc, quốc gia nào rót vốn nhiều nhất?
Hiện toàn tỉnh có 1.313 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 427 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư khoảng 145.000 tỷ đồng. Trong 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, Hàn Quốc hiện xếp đầu tiên với tổng vốn hơn 3 tỷ USD.
Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 400 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 435,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, vượt gần 9% kế hoạch năm. Trong đó có gần 210 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Theo đó, để đạt được mục tiêu, từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp.
Bệnh cạnh đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đạt được mục tiêu 3 tốt: Môi trường pháp lý tối và toàn diện, hệ thống chính sách đầy đủ, công khai, minh bạch, ổn định, thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm từ 1/3 đến một nửa so với quy định của Nhà nước; hạ tầng kỹ thuật tốt; phục vụ doanh nghiệp tốt, với trọng tâm là lắng nghe, thấu hiểu, kịp thời giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp và xây dựng chính quyền phục vụ, thân thiện.
Hiện toàn tỉnh có 1.313 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 427 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư khoảng 145.000 tỷ đồng.
Trong số hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, Hàn Quốc hiện đang xếp thứ nhất về cả số dự án đầu tư và số vốn đăng ký, với 238 dự án, tổng vốn hơn 3 tỷ USD (hơn 70.000 tỷ). Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc như: Sindoh, Cammsys, Daewoo Bus, JH Vina, Heasung Vina, ShinWon, Vina Korea, Solum...
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận gần 750 doanh nghiệp mới thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn lên hơn 15 nghìn doanh nghiệp, trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 9 khu đang hoạt động. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển 27 khu công nghiệp, tổng quỹ đất là 7.000 ha; 51 cụm khu công nghiệp, tổng diện tích 1.700ha.
Điều đáng nói, các KCN không chỉ phát triển mạnh ở vùng lõi là thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, Tam Dương mà đã lan toả, dịch chuyển về các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch và Sông Lô với tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt gần 70%.
Nói về lý do lựa chọn Vĩnh Phúc làm "bến đỗ", ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT CNCTech Group - doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó dự án khu công nghiệp Green Park Nam Bình Xuyên hợp tác với tập đoàn PNX của Hàn Quốc, có diện tích gần 300 hecta cho biết: Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là gần thủ đô Hà Nội và sân bay.
Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy...
Trong đó, tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, bao gồm: sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phát triển cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại và các sản phẩm sữa gắn với phát triển chăn nuôi bò, lợn ở các khu vực có lợi thế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư chế biến thực phẩm. Khuyến khích sản xuất vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, thân thiện môi trường.
Mục tiêu phát triển quy hoạch đến năm 2030, tỉnh sẽ có thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phải triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường.