16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 4: Làn sóng tăng lãi suất đã trở lại?
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm ngày càng lan rộng khi chỉ tính riêng trong tháng 4, 16 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm.
Làn sóng ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm
Làn sóng giảm lãi suất đồng loạt trên thị trường đã bắt đầu đảo chiều khi trong tháng 4, nhiều nhà băng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, đến thời điểm hiện tại, có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lại lớn như vậy.
Trong đó, VPBank và KienLong Bank là ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kì hạn.
OceanBank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.
VietinBank hiện là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big 4 điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, nhà băng này chỉ tăng lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng có khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng. Theo đó, ở kỳ hạn 1-11 tháng, mức tăng trung bình 0,2 điểm phần trăm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 1,9%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 2,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 11 tháng là 3,2%/năm. Đáng chú ý, lãi suất các kỳ hạn 24-36 tháng quay trở lại mốc 5%/năm.
Trước tháng 3/2024, thị trường chỉ ghi nhận làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng. Đến nửa cuối tháng 3 mới ghi nhận 4 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn. Theo khảo sát, 25 ngân hàng giảm lãi suất trong tháng 3, áp đảo số lượng ngân hàng tăng lãi suất.
Lãi suất đã thoát đáy?
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp, dựa trên báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, đến tháng 4, với làn sóng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng, lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đưa ra dự báo về sự tăng nhẹ trở lại của lãi suất tiết kiệm.
Trước đó, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng MB nhận định: "Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm".
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cũng cho rằng, mức tăng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều, dù khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý.
Trong khi đó, một số đơn vị nghiên cứu cũng chung nhận định về sự thay đổi của mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong thời gian tới.
Cụ thể, theo nhận định của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital, lãi suất tiết kiệm có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đơn vị này cho rằng, đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.
Nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra dự báo, mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều khả năng đã tạo đáy và có thể nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm.
Theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm thấp trong khi giá vàng, giá USD tăng mạnh, thị trường bất động sản dần hồi phục là lý do khiến người dân chuyển một phần tiền sang các kênh đầu tư này. Thực tế số liệu tăng trưởng tín dụng quý 1 chỉ ở mức 0,26% - thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là lý do khiến một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm để hút dòng tiền trở lại.
Các chuyên gia dự báo, lãi suất trong thời gian có thể tăng nhẹ trở lại nhưng mặt bằng bình quân dự kiến vẫn còn ở mức thấp.