17/37 mỏ vật liệu đáp ứng chất lượng cho dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, chỉ có 17/37 mỏ cung cấp được vật liệu cho dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (tỷ lệ 46%). Đây là nguyên nhân dẫn đến nhà thầu bị động trong việc tìm kiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến chỉ đạo về Kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót.
Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9.
Trước đó, tại kết luận thanh tra vừa được công bố, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm trong công tác điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu phục vụ dự án này.
Kết luận thanh tra nhận định, tại thời điểm thanh tra, công tác điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ vật liệu phục vụ Dự án chưa chưa đáp ứng yêu cầu thực tế xây dựng, tỷ lệ sai số lớn, số mỏ theo khảo sát là 37 nhưng thực tế thi công chỉ có 17 mỏ cung cấp được vật liệu cho dự án (tỷ lệ 46%). Còn 20 mỏ không cung cấp được vật liệu do không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, không còn trữ lượng, chưa được cấp phép, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng...
Đáng lưu ý, nhiều điểm mỏ tại tỉnh Thanh Hóa có công suất khai thác thấp không đáp ứng nguồn cung lớn trong thời gian ngắn... Do đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công phải bổ sung thêm 45 mỏ, trong đó: Tỉnh Ninh Bình bổ sung 2 mỏ, tại tỉnh Thanh Hoá phải bổ sung 43 mỏ, bãi tập kết.
Do đó, Thanh tra Chính phủ đánh giá kết quả khảo sát, lấy mẫu thử nghiệm và lựa chọn các điểm mỏ của đơn vị tư vấn là chưa phù hợp với thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhà thầu bị động trong việc tìm kiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Việc xây dựng giá đất đắp trong hồ sơ đấu thầu thực hiện theo quy định nhưng còn thiếu thực tế, chưa chính xác, dẫn đến khi gặp biến động của thị trường, cước phí vận tải tăng cao, hoặc khi nguồn cung khan hiếm, giá đất đắp sẽ biến động tăng, trong khi nhà thầu thi công chỉ được thanh toán theo giá trúng thầu nên thi công cầm chừng, làm ảnh hưởng tiến độ, trong khi tỷ lệ đất đắp là rất lớn, chiếm khoảng 70% khối lượng (khoảng 13% chi phí xây dựng).
Qua đối chiếu khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường cao tốc (đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45), Thanh tra Chính phủ nhận thấy có sự khác biệt giữa báo cáo của chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản với báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long.
Bên cạnh đó, qua xem xét 19 hồ sơ cấp phép các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa cung cấp, Thanh tra phát hiện còn một số thiếu sót, vi phạm nhưng đây là nội dung không thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Từ những tồn tại trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, ban hành quy định cụ thể áp dụng cho công tác khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ngành GTVT nhằm đảm bảo chính xác về trữ lượng theo thời gian, tiến độ, tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi phê duyệt dự án...
Thanh tra cũng kiến nghị hai bộ GTVT và TN&MT làm rõ về một số bất cập trong công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường và quy trình cấp phép mỏ sử dụng cho công trình giao thông trọng điểm quốc gia; tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Xử lý theo quy định pháp luật đối với các nhà thầu thi công cầm chừng, không tuân thủ hợp đồng đã ký, không đảm bảo tiến độ được phê duyệt của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Thanh tra, kiểm tra việc thanh, quyết toán khối lượng vật liệu xây dựng thông thường cung cấp tại dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật…
Đối với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm tra, rà soát các điểm mỏ nâng công suất, xác định khối lượng thực tế đã khai thác để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan theo đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát ngân sách Nhà nước; kiểm tra việc kinh doanh tại các mỏ được nâng công suất và mỏ đất Đồi Ao, tỉnh Thanh Hóa, trường hợp vi phạm bán vật liệu xây dựng ra thị trường mà không cung cấp cho dự án đường cao tốc thì xử lý nghiêm theo Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ và quy định của pháp luật.
Dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến 63,37km, đi qua địa phận 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong đó, chiều dài thi công đường là 57,32km, chiều dài thi công cầu là 5,12km, chiều dài thi công hầm là 0,93km.
Đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 49,02 km và qua địa phận tỉnh Ninh Bình có chiều dài 14,35 km. Quy mô giai đoạn 1 của dự án xây dựng 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án được khởi công tháng 9/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành và được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 29/4.