1,79 triệu tỷ đồng: Ngân hàng 'chốt sổ' cuộc đua vốn hóa 2023, tăng hơn 300 nghìn tỷ đồng chỉ trong một năm

Có tới 20 ngân hàng tăng giá trị vốn hóa trong năm 2023, trong đó, 2 ông lớn Nhà nước là Vietcombank và BIDV dẫn đầu.

Theo thống kê số liệu của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, trong năm 2023 vừa qua tổng giá trị vốn hóa các ngân hàng đã tăng thêm hơn 300 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng hơn 20%, lên 1,79 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn kém mốc 1,9 triệu tỷ đồng thời điểm cuối năm 2021.

Nếu như năm 2022 vốn hóa ngành ngân hàng giảm sâu khi có tới 25 ngân hàng giảm vốn hóa và chỉ có 2 ngân hàng tăng, thì năm 2023 gam màu đã đảo chiều khi có tới 20 ngân hàng tăng và chỉ có 7 ngân hàng giảm vốn hóa.

Biến động vốn hóa các ngân hàng năm 2023. Đơn vị: Tỷ đồng

Ở chiều tăng, 2 ngân hàng tăng mạnh nhất là Vietcombank và BIDV, mức tăng lần lượt là 70 nghìn tỷ đồng và 52 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, Vietcombank đã có thời điểm vốn hóa vượt mốc 500.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán chạm được tới cột mốc này.

Về tỷ lệ tăng giá, Ngân hàng Nam Á và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tăng mạnh nhất, đạt 128% và 78%.

Ở chiều giảm, Ngân hàng Quốc Dân ghi nhận vốn hóa giảm hơn 5.000 tỷ đồng (giảm 46%). NCB hiện đang trong quá trình tái cơ cấu và vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 11.800 tỷ đồng, thông qua chào bán 620 triệu cổ phiếu.

Về xếp hạng, VPBank đã vượt qua ông lớn VietinBank để trở thành ngân hàng lớn thứ 3 thị trường, đồng thời cũng nới rộng khoảng cách với ngân hàng Techcombank trong cuộc đua ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng 1 bậc trong năm qua khi vốn hóa tăng 46%, vượt Sacombank.

1,79 triệu tỷ đồng: Ngân hàng 'chốt sổ' cuộc đua vốn hóa chặng 2023, tăng hơn 300 nghìn tỷ đồng chỉ trong một năm - Ảnh 2.

Sáng ngày 3/1, phát biểu tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Đào minh Tú cho biết, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, đạt khoảng 13,6 triệu tỷ. Mặc dù, kết quả trên thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng mức thấp hơn không nhiều.

"Mặc dù tăng 13,5%, nhưng trên nền số dư khoảng 12 triệu tỷ vào cuối năm 2023 thì chúng tôi đã đưa vào nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị; ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm....

Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngày 17/01/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng năm 2023. Bên cạnh đó, NHNN đã nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).


Hà My

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT