2024 là năm tạo dựng cơ sở phát triển thị trường chứng khoán trung và dài hạn

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2024 sẽ quản lý điều hành thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo an toàn, tạo thuận lợi cho huy động vốn.

Sáng 28/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 do Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, năm 2024, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạp khi tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn yếu trong ngắn hạn.

Điểm sáng là dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục ở mức cao hơn các khu vực khác.

null
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại hội nghị.

 

Đối với TTCK, bà Phương nhấn mạnh năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

Do vậy, bà Phương cho biết, ngành chứng khoán sẽ quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện số 1360 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Xây dựng và tổ chức triển khai các Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, UBCKNN để thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Bên cạnh đó, quản lý điều hành TTCK đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.

Nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của TTCK, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên TTCK và trên không gian mạng.

2024-la-nam-tao-dung-co-so-phat-trien-thi-truong-chung-khoan-trung-va-dai-han-antt-1709094770.png
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị.

 

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định, sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ.

Cùng với đó, kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; qua đó, hỗ trợ sự phát triển của TTCK, tiến tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững.

NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành lãi suất, tỉ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…

Việc này sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn; giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển TTCK trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỉ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống tổ chứng tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT