3 lô trái phiếu gần 3.000 tỷ ‘giáp hạt’ của Geleximco

Trong thời gian tới, Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền sẽ có áp lực thanh toán rất lớn khi phải thanh toán gốc cho 3 lô trái phiếu đến hạn tổng trị giá 2.890,88 tỷ đồng, chưa tính tiền lãi trái phiếu.

3-lo-trai-phieu-gan-3000-ty-giap-hat-cua-geleximco-antt-1695270240.jpg
Toà nhà Geleximco.

Thống kê từ HNX cho thấy, trong quý IV/2023, Tập đoàn Geleximco-CTCP có 3 lô trái phiếu sẽ đáo hạn.

Cụ thể, các lô trái phiếu sẽ đáo hạn trong thời gian tới của Geleximco là lô trái phiếu mã GELEXIMCO.BOND.2020.2023 đáo hạn vào ngày 21/10/2023 với giá trị lưu hành 1.497,3 tỷ đồng; lô GLXCH2123001 đáo hạn ngày 10/11/2023 có giá trị lưu hành 735,48 tỷ đồng và lô trái phiếu GLXCH2123003 đáo hạn ngày 31/12/2023 có giá trị lưu hành 1.008 tỷ đồng. Tổng giá trị đang lưu hành của 3 lô trái phiếu này là 2.890,88 tỷ đồng.

Như vậy, trong 3 tháng cuối năm 2023, Geleximco sẽ có áp lực thanh toán rất lớn khi không những phải thanh toán 2.890,88 tỷ tiền gốc trái phiếu đến hạn mà doanh nghiệp này còn phải thanh toán tiền lãi cho cả 3 lô trái phiếu trên. Các lô trái phiếu trên của Geleximco đều do CTCP Chứng khoán An Bình làm tổ chức lưu ký.

Chứng khoán An Bình là một trong những thành viên quan trọng trong "hệ sinh thái" Geleximco. Được biết, tính đến ngày 30/6/2023, Geleximco là cổ đông lớn nhất tại Chứng khoán An Bình khi sở hữu 45,85% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Thực tế, trong những năm qua, nhóm Chứng khoán An Bình – ABBank là những tổ chức chuyên sắp xếp dòng tiền cho Tập đoàn Geleximco và các pháp nhân khác trong “hệ sinh thái” của doanh nhân Vũ Văn Tiền.

Hiện tại, Geleximco được điều hành bởi ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đồng thời, ông Tiền hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).

Theo tìm hiểu, tiền thân của Geleximco là Công ty TNHH XNK Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1993, với vốn điều lệ ban đầu 2,5 tỷ đồng. Đến năm 2001, vốn điều lệ tăng lên 50 tỷ đồng và bắt tay hợp tác với Tập đoàn Lilama đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức đầu tư lên đến 350 triệu USD.

Bước sang 2004, vốn điều lệ của Geleximco đạt 150 tỷ đồng, tức tăng lên gấp 3 lần so với năm 2001. Ba năm sau, đơn vị này chính thức chuyển đổi loại hình sang CTCP, vốn điều lệ tăng 720%, lên đến 1.230 tỷ đồng, và chạm mốc 2.000 tỷ đồng vào năm 2010 và bứt tốc lên lên 6.000 tỷ đồng chỉ 1 năm sau đó. Tại cuối năm 2022, vốn điều lệ Geleximco đã đạt mức 11.516 tỷ đồng.

Tuy sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhưng con số lãi năm 2022 của Geleximco lại ‘’teo tóp’’ chỉ còn hơn 66 tỷ đồng, so với con số 488 tỷ đồng của 2021, tương ứng giảm tới 7 lần. Do đó, tỷ suất lợi nhuận chỉ còn không đáng kể là 0,57%. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị này vô cùng thấp.

Tại thời điểm cuối năm 2022, Geleximco  đang có tổng nợ phải trả là 16.468 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 4.146 tỷ đồng.

Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi do HNX đăng tải hồi cuối tháng 4/2023, trong năm 2022, Geleximco đã chi 2.793 tỷ đồng để thanh toán số nợ lãi và gốc trái phiếu đến hạn. Trong đó, đơn vị này thanh toán gần 562 tỷ đồng trả lãi trái phiếu và 2.231,4 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu, trong đó mua lại gốc 2 lô trái phiếu GELEXIMCO.BOND.2020 và GELEXIMCO.BOND.2020.2022; mua lại trước hạn gần 350 tỷ đồng trong tổng số 1.497,3 tỷ đồng giá trị đang lưu hành của lô trái phiếu GELEXIMCO.BOND.2020.2023.

6 tháng đầu năm 2023, Geleximco cũng đã chi gần 150 tỷ đồng để thanh toán lãi trái phiếu. Với vốn khủng nhưng tình hình kinh doanh kém khả quan như vậy, trong 3 tháng cuối năm tới đây, với 2.890,88 tỷ đồng gốc trái phiếu đến hạn và hàng trăm tỷ đồng tiền lãi trái phiếu cần thanh toán sẽ là áp lực rất lớn đối với Tập đoàn này.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT