3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có kết quả kinh tế ra sao trong năm 2023?
Theo quyết định 241/QĐ-TTg về kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc trong giai đoạn 2021-2030, Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế là 3 địa phương đang được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của 3 địa phương này đang có kết quả ra sao trong năm vừa qua?
Bắc Ninh
Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho hay, sự suy giảm, bất ổn của các nền kinh tế đối tác lớn đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực, các ngành phụ trợ.
Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn trong các tháng cuối năm kéo theo chỉ số tiêu thụ hàng hóa có xu hướng giảm dần. Trước những khó khăn "bủa vây" như vậy, nhiều thị trường lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều gặp khó khăn.
Kết quả, GRDP của tỉnh năm 2023 theo giá so sánh 2010 ước đạt 126.484 tỷ đồng, giảm 9,28% so với cùng kỳ. Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, đây là mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là tỉnh có mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Xét theo khu vực kinh tế trong năm 2023: có 0 khu vực, Nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) và Công nghiệp - xây dựng (CN-XD) đều bị giảm, trong đó khu vực CN-XD chiếm tỷ trọng nhiều nhất thì giảm (-13,24%), tiếp đến là khu vực NLTS (-2,31%); riêng khu vực dịch vụ duy trì tăng trưởng dương nhưng không cao (+3,63%).
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 220.223 tỷ đồng (tương đương 8.957 triệu USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 145,1 triệu đồng/người (tương đương 5.903 USD/người). Năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 281,4 triệu đồng /lao động (tương đương 11.443 USD/lao động).
Về cơ cấu kinh tế, khu vực NLTS chiếm 2,88%; khu vực CN-XD chiếm 72,18%; khu vực dịch vụ chiếm 20,68% và thuế sản phẩm là 4,26%. Như vậy, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự thay đổi đáng kể theo hướng tỷ trọng khu vực CN-XD giảm 3,74%%, trong khi tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng 3,04%, khu vực nông nghiệp tăng 0,27%, thuế sản xuất tăng 0,43%.
Về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), báo cáo cho biết, năm 2023, thu ngân sách nhà nước không đạt như kỳ vọng, đạt 29.345 tỷ đồng, chỉ đạt 92,8% dự toán năm, đồng thời giảm 5,3% so với cùng kỳ, do kinh tế của tỉnh tăng trưởng sụt giảm nhiều, ngoài ra, khoản thu tiền sử dụng đất giảm đột biến đã kéo tổng thu ngân sách nhà nước giảm xuống.
Ngược lại, chi ngân sách địa phương mặc dù không đạt dự toán toán năm, ước đạt 18.755 tỷ đồng (đạt 92,3%) nhưng lại tăng nhiều (+21,3%) so với cùng kỳ, tập trung vào các khoản chi đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quản lý nhà nước.
Liên quan đến tình hình thu hút đầu tư, theo Cục Thống kê Bắc Ninh, tính từ đầu năm đến 20/12, toàn tỉnh đã thu hút về số lượng được 381 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 231 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt 1.104,9 triệu USD (tăng 685,9 triệu USD), ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 164 dự án (tăng 35 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là 650,4 triệu USD, (giảm 1.109,8 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 67 lượt (tăng 21 lượt) với giá trị là 23,4 triệu USD (giảm 24,6 triệu USD); thu hồi 63 dự án (tăng 15 dự án) với tổng vốn đầu tư là 102,5 triệu USD (giảm 0,8 triệu USD).
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.137 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư được cấp phép đạt 25.043 triệu USD.
Khánh Hoà
Theo Cục Thống kê Khánh Hòa, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) năm 2023 ước được 60.158,8 tỷ đồng, tăng 10,35% so năm 2022, vượt kế hoạch năm 2023 đã đề ra (8,7%). Với kết quả này, tốc độ tăng GRDP của Khánh Hòa xếp vị thứ 4/63 của cả nước và đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá hiện hành) năm 2023 ước được 108.968,9 tỷ đồng, với cơ cấu nền kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 32,23%; ngành dịch vụ chiếm 47,56%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,21% (cơ cấu tương ứng của năm 2022 là: 11,4%; 32,11%; 46,64%; 9,85%).
GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 86,44 triệu đồng, tăng 12,6% so năm 2022. Năng suất lao động (theo giá hiện hành) năm 2023 ước được 164,55 triệu đồng/lao động, tăng 11,31% so năm 2022.
Về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước, theo Cục Thống kê Khánh Hòa, năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước được 18.230 tỷ đồng, bằng 118,03% dự toán và tăng 10,51% so năm trước: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.710 tỷ đồng, bằng 136,52% và giảm 24,58%; thu từ SXKD trong nước 15.520 tỷ đồng, bằng 115,3% và tăng 20,28%.
Năm 2023, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương ước được 15.832,3 tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán và tăng 12,08% so năm 2022. Trong đó chi đầu tư phát triển được 7.200,4 tỷ đồng, bằng 109,46% và tăng 23,53% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 2.490,9 tỷ đồng, bằng 99,15% và tăng 38,36%); chi thường xuyên 8.575,5 tỷ đồng, bằng 106,33% và tăng 5,16% với các khoản chi như: Chi sự nghiệp kinh tế 1.643,2 tỷ đồng, bằng 107,73% và tăng 12,18%; chi sự nghiệp văn xã 4.885,4 tỷ đồng, bằng 104,2% và tăng 2,93%; chi quản lý hành chính 1.505,6 tỷ đồng, bằng 110,42% và tăng 9,16%; chi quốc phòng, an ninh 438,2 tỷ đồng, bằng 151,05% và tăng 12,53%; chi khác ngân sách 103,1 tỷ đồng, bằng 52,12% và giảm 41,01%.
Thừa Thiên Huế
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) năm 2023 ước được 38.754,93 tỷ đồng, tăng 7,03% so năm 2022, xếp vị thứ 28/63 của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá hiện hành) năm 2023 ước được 72.865,5 tỷ đồng, với cơ cấu nền kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,6%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 31,93%; ngành dịch vụ chiếm 48,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,58%.
Về tình hình thu-chi NSNN, báo cáo cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 11.000 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, giảm 14% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 10.350 tỷ đồng, vượt 10,6% dự toán, giảm 14,3%; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 630 tỷ đồng, vượt 13,5% dự toán, tăng 0,1% so với cùng kỳ; Thu viện trợ, huy động đóng góp 20 tỷ đồng, vượt 81,8% dự toán, và giảm 66,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 14.092 tỷ đồng, bằng 97% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.346,8 tỷ đồng, bằng 96,2% dự toán.
Về tình hình thu hút đầu tư, báo cáo cho biết, tính đến tháng 12/2023, tỉnh đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374,1 tỷ đồng (gồm 08 dự án FDI vốn đăng ký 134,8 triệu USD tương đương 3.219 tỷ đồng).
Trong đó, khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 11 dự án đầu tư với vốn đăng ký 4.084,4 tỷ đồng (trong đó có 8 dự án FDI với tổng vốn 134,8 triệu USD). Điều chỉnh tăng/giảm vốn 5 dự án với vốn tăng thêm 1.842,1 tỷ đồng (điều chỉnh tăng vốn 04 dự án với vốn tăng thêm 1.794,7 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn 01 dự án giảm 47,4 tỷ đồng); thu hồi 05 dự án với vốn đăng ký 2.173,6 tỷ đồng.
Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 14 dự án với vốn đăng ký 5.289,7 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng vốn 04 dự án với vốn tăng thêm 356 tỷ đồng. Chấm dứt hoạt động 8 dự án với số vốn đăng ký 182 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6.246 tỷ đồng. Một số dự án lớn như: Bệnh viện Quốc tế Huế tại Khu E - Đô thị mới An Vân Dương với tổng vốn đăng ký 817 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy với tổng vốn đăng ký 4.316 tỷ đồng,...