40 năm trước là làng chài nghèo, giờ thành phố này đã có sản lượng công nghiệp hơn 200 tỷ USD, năng lượng mới và AI chiếm hơn 40% GDRP
Từ một làng chài nghèo, sau gần 40 năm, Thâm Quyến đã có những bước phát triển phi thường với các chuỗi công nghiệp tiên tiến được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”
Thành phố Thâm Quyến đang cam kết tăng gấp đôi nỗ lực để củng cố lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao khi Trung Quốc nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng và chống lại các hạn chế công nghệ do Mỹ dẫn đầu.
Trước đó, vào năm 1980, Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn đề xuất của Quốc vụ viện, quyết định thành lập 3 đặc khu kinh tế tại tỉnh Quảng Đông, gồm Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và 1 tại tỉnh Phúc Kiến là Thành phố Hạ Môn.
Từ một làng chài nghèo, sau gần 40 năm, Thâm Quyến đã có những bước phát triển phi thường. Trong đó, đặc khu kinh tế tại thành phố này nổi lên trở thành đầu tàu phát triển, với tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá hàng đầu thế giới, được xem là cánh cửa ra với thế giới của Trung Quốc.
Thâm Quyến có dân số 17,5 triệu người, diện tích 2.050 km2.
Nổi tiếng với các chuỗi công nghiệp tiên tiến được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, Thâm Quyến có kế hoạch đạt sản lượng công nghiệp hơn 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (209 tỷ USD) trong các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược vào năm 2024, điều này thể hiện cam kết đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%.
Trước đó, vào năm 2023 nền kinh tế tổng thể của Thẩm Quyến tăng trưởng 6%. Trong đó, ngành chiến lược của trung tâm công nghệ, bao gồm năng lượng mới và trí tuệ nhân tạo tăng 8% và chiếm 41,9% GRDP của thành phố. Mức tăng trưởng này vượt xa mức tăng trưởng của Quảng Châu (thủ phủ của tỉnh Quảng Đông) với 4,6% và mức tăng trưởng dự kiến 3,2% ở Hồng Kông.
Trả lời hãng CNBC Andrew Amoils, nhà phân tích tại New World Wealth nhận định, dự kiến Thẩm Quyến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cho đến năm 2040, so với Bắc Kinh và Thượng Hải, những nơi có tốc độ tăng trưởng vừa phải.
Là trung tâm công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc, Thâm Quyến là quê hương của những "gã khổng lồ" trong ngành như Tencent, Huawei Technologies, BYD và DJI. Theo SCMP, thành phố hiện tại có khoảng 3 triệu doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò lớn cho sự phát triển của đất nước tỷ dân.
Cho đến nay, Tencent vẫn là doanh nghiệp giàu có bậc nhất tại Thẩm Quyến và cả Trung Quốc. Đây cũng là đoàn trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, đánh bại các đối thủ lớn như Apple, Microsoft và Google. Tencent là chủ sở hữu các tựa game phổ biến nhất thế giới bao gồm Fortnite, Liên minh huyền thoại và ứng dụng nhắn tin WeChat.
Bên cạnh đó, thành phố này cũng đang gánh vác trọng trách đổi mới để đạt được những đột phá về công nghệ của Trung Quốc trong các ngành chiến lược, đồng thời thúc đẩy toàn bộ đất nước tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để phòng ngừa những cơn gió ngược kinh tế, như nợ, giảm phát, khủng hoảng nhân khẩu học…
Theo báo cáo từ chính phủ, Thâm Quyến đặt mục tiêu phát triển hơn nữa các ngành công nghiệp trụ cột, bao gồm cả các ngành liên quan đến truyền thông và thiết bị thông minh. Đồng thời khai thác triển vọng trong các lĩnh vực mới như phương tiện kết nối internet, hàng không vũ trụ và nền kinh tế tầm thấp, có thể bao gồm máy bay không người lái và thậm chí ô tô bay.
Thành phố này cũng đang nỗ lực hơn nữa về lĩnh vực ô tô, chất bán dẫn và dụng cụ đo lường chính xác cao cấp; thúc đẩy các ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai bao gồm robot thông minh, sinh học tổng hợp, khoa học não bộ, di truyền tế bào và thông tin lượng tử.
Theo SCMP đưa tin, chính quyền Thẩm Quyến có ý định “thành lập bổ sung hơn 20 viện nghiên cứu khoa học cao cấp, trung tâm R&D doanh nghiệp và các nhóm nghiên cứu khoa học cấp cao”, nhưng thông tin chi tiết vẫn còn hạn chế.
Năm 2023, xuất khẩu “ba trụ cột mới” gồm xe điện, pin mặt trời và pin lithium của thành phố tăng 33,9%, vượt mức quốc gia là 29,9% và cao hơn mức 19,7% được ghi nhận ở đồng bằng sông Dương Tử. Được biết, “ba trụ cột mới” đã phản ánh sự thay đổi từ “ba trụ cột cũ” xuất khẩu của Trung Quốc bao gồm quần áo, đồ gia dụng và đồ nội thất.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management,cho biết với vị trí địa lý gần Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nơi có môi trường kinh doanh thân thiện và hiệu quả, Thâm Quyến cũng học hỏi được cách phát triển nền kinh tế.
“Tôi thực sự nghĩ Thâm Quyến là thành phố hứa hẹn nhất ở Trung Quốc đại lục về tiềm năng kinh tế,” ông Zhang nhấn mạnh.
Báo cáo từ công ty nghiên cứu tài sản New World Wealth và công ty tư vấn Henley & Partners cho thấy Thâm Quyến ghi nhận mức tăng trưởng 140% về số lượng triệu phú, cao hơn nhiều so với các thành phố hạng nhất khác ở Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi số triệu phú tăng lần lượt là 90% và 84%.
Với 50.300 triệu phú cư trú, Thâm Quyến hiện là thành phố giàu có thứ 27 trên thế giới và với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thành phố này có khả năng lọt vào danh sách 10 thành phố giàu nhất thế giới vào năm 2040.