5 loại lãi suất được giảm 0,5%/năm bắt đầu từ hôm nay (25/5)

Ngân hàng Nhà nước ra quyết định điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành, chính thức có hiệu lực từ hôm nay 25/5.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/5.

5-loai-lai-suat-duoc-giam-0-5-nam-bat-dau-tu-hom-nay-25-5-1684985041.jpg
Hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 950 và 951 của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/5, có 05 loại lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm.

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Riêng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Theo các chuyên gia, biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy nhanh tăng trưởng.

Hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, tiêu biểu là lãi suất cho vay VND phát sinh mới ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022). Mặc dù trước đó NHNN đã điều chỉnh 2 lần giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1 điểm %/năm trong tháng 3 và 4. 

NHNN cho biết có nhiều lý do khiến lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Đầu tiên, do hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, đặc thù nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao, Fed đã 10 lần tăng lãi suất. 

Mặt khác, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.

Tiếp đến, áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT