Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

5.000 tỷ đồng tiền nghĩa vụ nhà ở xã hội ở Hà Nội chưa có phương án chi tiêu

Lê Đức Bình

Các doanh nghiệp lựa chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng cách nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Gần 5.000 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp nộp vào quỹ thành phố, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn , quy định sử dụng khoản tiền này.

5000-ty-dong-tien-nghia-vu-nha-o-xa-hoi-o-ha-noi-chua-co-phuong-an-chi-tieu-antt-1684642079.jpg
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng cách nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Ảnh minh họa.

Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai đề án 1 triệu nhà ở xã hội mới đây, ông Dương Đức Tuấn,Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chỉ ra nhiều khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn như các vướng mắc trong quy hoạch, sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng và cơ chế, ưu đãi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Theo ông, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng cách nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp nộp tiền vào quỹ thành phố với số tiền gần 5.000 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn và quy định để sử dụng khoản tiền này. Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

Lãnh đạo TP.Hà Nội kiến nghị, nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, Chính phủ nên ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án tại các khu nhà ở xã hội độc lập trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, giao quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.

Bộ Xây dựng cần sớm báo cáo cấp có thẩm quyền có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng. Trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.

Được biết, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội đã có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 4.168 căn hộ.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, cụ thể, 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 869.000m2 sàn với 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,6 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.
Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.

UBND TP.Hà Nội đã quyết định giao Sở Xây dựng tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; xem xét tiếp tục thực hiện đối với 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, tại ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 (thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Dự kiến 5 dự án trên được triển khai hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội vào quỹ nhà ở xã hội của Hà Nội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thành phố (khoảng 6,8 triệu m2 sàn giai đoạn sau năm 2020).

Trong khuôn khổ cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi một số luật như đất đai, đấu thầu; tập trung sửa đổi chính sách, trình tự thủ tục dự án chính sách ưu đãi nhà nước, chính sách cho lực lượng vũ trang; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc nhà ở cho công nhân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phủ trình duyệt xem xét thực hiện chính sách nhà xã hội.

Bình Đức (t/h)