Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

69 mã chứng khoán bị cắt margin trong quý II/2024 trên HNX

Phạm Thị Tâm

HNX vừa thông báo danh sách 69 cổ phiếu bị cắt margin do không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý II/2024.

69-ma-chung-khoan-bi-cat-margin-trong-quy-ii2024-tren-hnx-att-1712538173.png
Ảnh minh họa

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã có thông báo danh sách 69 cổ phiếu bị cắt margin do không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý II/2024.

Các mã cổ phiếu bị cắt margin chủ yếu là do thuộc diện cảnh báo, thuộc diện kiểm soát, lỗ sau thuế tại báo cáo tài chính bán niên soát xét hoặc đang trong diện bị đình chỉ giao dịch.

Đáng chú ý, trong đó, 6 doanh nghiệp thuộc nhóm có khả năng bị hủy niêm yết là CTCP Nhựa Đà Nẵng, CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát, CTCP Lilama 45.3, CTCP Lilama 69-1, CTCP Lilama 69-2, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.

Một số cổ phiếu nằm trong danh sách do lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên BCTC tổng hợp soát xét hoặc của cổ đông công ty mẹ tại BCTC kiểm toán năm 2023 là số âm, có thể kể đến: AAV, BCC, BTS, ECI, HCT, HDA, HEV, HOM, ICG, LDP, MBG…

Hai mã API, KTT bị cắt margin còn do tổ chức phát hành có BCTC riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.

Một số doanh nghiệp khác như API, CTC, FID, KTS, KTT, LCD, MHL, SD6, SMT, VE8 ghi nhận lỗ sau thuế 6 tháng tại báo cáo tài chính bán niên năm 2023.

Cổ phiếu MHL cũng có trong danh sách này do chậm công bố thông tin Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2023 quá 5 ngày so với hạn quy định. Tổ chức còn ghi nhận lỗ sau thuế 6 tháng và lỗ sau thuế chưa phân phối trên BCTC cho kỳ kế toán 6 tháng. Đồng thời, HNX đưa cổ phiếu MHL vào diện hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch.

Theo thống kê trong báo cáo mới nhất của FIDT, giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước từ đầu năm đạt mức 14.601 tỷ (+10.000 tỷ chỉ trong tháng 3), trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường chứng khoán chung đi lên.

Tuy nhiên, việc chiếm tỷ trọng lớn hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường (trung bình 1 năm gần nhất) cũng khiến nhóm nhà đầu tư này mang lại rủi ro cho thị trường.

Mặt khác, thị trường còn chịu áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Đà bán ròng của khối ngoại tạo áp lực cho thị trường chung theo 2 hướng chính (1) tâm lý nhà đầu tư tiêu cực kéo dài (2) gia tăng tỷ trọng dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong tổng giao dịch, do đó mang lại rủi ro biến động mạnh khi nhóm tiền này không còn động lực tăng. Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng, đánh dấu tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp.

Đánh giá về thị trường chứng khoán, các chuyên gia cũng đồng thuận về kịch bản điều chỉnh trong ngắn hạn và nhịp điều chỉnh cũng là bình thường khi chỉ số đã trải qua 5 tháng tăng liên tiếp. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng chưa vội "bắt đáy" sớm trong giai đoạn này.

Mai Hoa (t/h)