8 ngân hàng chi gần 28.000 tỷ trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông

Tính đến hiện tại, đã có 8 ngân hàng công bố kế hoạch hoặc đã chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong năm 2024, cao hơn con số 6 nhà băng vào năm ngoái. Số tiền dự kiến dùng để trả cổ tức tiền mặt trong năm nay là xấp xỉ 27.700 tỷ đồng.

Trong tài liệu xin ý kiến cổ đông mới công bố, ban lãnh đạo SHB đề xuất dùng 1.831 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 5%) và 4.028 tỷ đồng để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 15%). Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên SHB chia cổ tức tiền mặt kể từ năm 2013.

Lần gần nhất SHB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt là cách đây hơn 10 năm với tỷ lệ 7,5%. Các năm gần đây, SHB thường chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, chẳng hạn như năm 2023 vừa qua ngân hàng chia với tỷ lệ 18%.

Năm nay, Techcombank cũng gây bất ngờ với kế hoạch trả cổ tức và thưởng lên tới 115% vốn điều lệ. Trong đó, ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án dành hơn 5.283 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024.

Đây là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau hơn 1 thập niên giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh. Theo lãnh đạo nhà băng, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.

Nếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua, đây sẽ lần đầu tiên Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 1 thập niên và là lần đầu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 5 năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 2/4, VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tổng tỷ lệ là 29,5% vốn điều lệ, gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng. Riêng về cổ tức tiền mặt, trong tháng 2/2024, VIB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 6% và sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5% vào ngày 17/5 tới. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức tiền mặt là 3.171 tỷ đồng.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 4/4, ACB cũng đã thông qua kế hoạch trích ra hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Trong đó, ACB sẽ chi ra khoảng 3.884 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

8 ngân hàng chi gần 28.000 tỷ trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong cuộc họp sắp tới, HDBank sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2023 (thực hiện trong năm 2024) tại cuộc họp cổ đông vào ngày 26/4 tới đây với tỷ lệ 25%, trong đó gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu. Với gần 2,913 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ngân hàng này dự kiến sẽ chi 2.913 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Trong năm 2024, MB dự kiến sử dụng 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, VPBank dự kiến sẽ trả toàn bộ cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Theo đó, ban lãnh đạo ngân hàng này đệ trình kế hoạch sử dụng 7.934 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và quý III năm 2024. Thời gian cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng.

Tại đại hội cổ đông năm nay, Ban lãnh đạo Eximbank đề xuất dùng 1.741 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu (7%) và tiền mặt (3%).

Về phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà ngân hàng dự kiến chi ra là 522 tỷ đồng. Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.

Như vậy, tính đến hiện tại đã có tổng cộng 8 ngân hàng công bố kế hoạch hoặc đã chi trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024 với tổng số tiền lên tới gần 27.700 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Trước đó, chỉ có 6 ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023 là TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank; với tổng số tiền là hơn 23.000 tỷ đồng.

Quốc Thụy

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT