Ác mộng ngành Chip: Mỹ đổ 500 tỷ USD đầu tư nhưng nhiều dự án phải tạm dừng vì thiếu nhân lực

Những con số ấn tượng về tiền đầu tư xây dựng các dự án nhà máy chip bán dẫn tại Mỹ không che giấu nổi việc nền kinh tế số 1 thế giới thiếu nhân lực đủ trình độ để theo kịp tham vọng của Nhà Trắng.

Ác mộng ngành Chip: Mỹ đổ 500 tỷ USD đầu tư nhưng nhiều dự án phải tạm dừng vì thiếu nhân lực- Ảnh 1.

Trong gần 2 năm kể từ khi đạo luật phục hồi ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ được ban hành, hàng loạt những con số ấn tượng đã được công bố. Bộ thương mại Mỹ cho biết đã tài trợ gần 30 tỷ USD và khoản vay ưu đãi 25 tỷ USD cho các dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip khổng lồ, chưa kể những khoản giảm thuế hào phóng khác.

Chính sự tích cực của chính quyền Washington này đã thu hút khoảng 450 tỷ USD đầu tư tư nhân vào các dự án xây nhà máy chip bán dẫn từ bang Ohio cho tới Arizona.

Thế nhưng theo tờ Fortune, khi các dự án này bắt đầu được thực hiện thì doanh nghiệp lại phải đối mặt với trở ngại cực lớn: Không đủ nhân lực có trình độ.

"Việc Mỹ giảm đáng kể dấu ấn của mình trong lĩnh vực bán dẫn suốt 35 năm qua khiến lực lượng lao động mất rất nhiều kỹ năng và hiện cần tốn thời gian mới khôi phục lại được", một quan chức giấu tên nói với Fortune.

Ác mộng ngành Chip: Mỹ đổ 500 tỷ USD đầu tư nhưng nhiều dự án phải tạm dừng vì thiếu nhân lực- Ảnh 2.

Các tập đoàn bán dẫn đầu tư vào Mỹ ước tính nước này thiếu khoảng 67.000 lao động lành nghề, tương đương 58% tổng số việc làm mới vốn được tạo ra từ nay đến năm 2030 nhờ đạo luật phát triển ngành chip sẽ bị bỏ trống vì không đủ nhân lực đạt tiêu chuẩn.

Ban đầu vào thời kỳ sơ khai của ngành bán dẫn thập niên 1970, Mỹ là điểm nóng nhân tài toàn cầu của ngành này khi các hãng Texas Instruments và Micron là những công ty tiên phong trên toàn thế giới, thu hút các tài năng hàng đầu.

Thế nhưng trong những thập kỷ tiếp theo, mô hình kinh doanh của ngành chip bán dẫn dần thay đổi khi các tập đoàn lớn như Nvidia, Intel và AMD dù vẫn hoạt động tại Mỹ nhưng lại chuyển nhà máy sản xuất sang Châu Á để tiết kiệm chi phí.

Thậm chí nhà sáng lập Steve Jobs cũng tìm đến gã khổng lồ TSMC, nơi hiện sản xuất 82% chip tiên tiến nhất thế giới, để làm việc thay vì tự sản xuất trong nước.

Mất nhiều năm

Tờ Fortune nhận định khi ngành sản xuất bán dẫn bị dịch chuyển sang Châu Á thì nguồn nhân lực mảng này của Mỹ cũng dần cạn kiệt do thiếu việc làm. Tuy nhiên một yếu tố nữa thúc đẩy nhanh hơn quá trình này lại đến từ hàng thập niên chuyển hướng giáo dục của nền kinh tế, nơi sản xuất công nghiệp dịch chuyển sang dịch vụ tiêu dùng.

"Trước đây sinh viên có thể học thêm các nghề điện, cơ khí..., vốn là những kỹ năng cơ bản của ngành bán dẫn, như một phần của chương trình giáo dục công thông thường. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã khác và điều đó gián tiếp làm xói mòn khả năng nâng cao kỹ năng cũng như tạo thêm công nhân cho ngành bán dẫn", CEO Mike Russo của Viện công nghệ và đổi mới quốc gia (NIIT) than thở.

Ác mộng ngành Chip: Mỹ đổ 500 tỷ USD đầu tư nhưng nhiều dự án phải tạm dừng vì thiếu nhân lực- Ảnh 3.

Thay vì học sản xuất, kỹ thuật phần cứng hay những kỹ năng cơ bản của một công nhân ngành chip bán dẫn, sinh viên giờ đây quan tâm nhiều hơn các mảng khoa học, công nghệ dịch vụ.

Báo cáo của Intel năm 2023 về tình trạng thiếu lao động bán dẫn cho thấy trong những năm qua, các sinh viên giảm dần hứng thú với những kỹ năng cho ngành bán dẫn mà tập trung nhiều hơn cho các nghiên cứu khoa học, công nghệ mang tính hàn lâm hoặc phục vụ ngành dịch vụ.

Nhận thức được tình hình, chính phủ Mỹ đang cố gắng thay đổi lại ngành giáo dục nhằm biến mảng bán dẫn trở nên thu hút hơn với sinh viên.

Tuy nhiên quá trình này được cho là sẽ phải mất nhiều năm xây dựng chương trình, tạo kết nối với các trường học và doanh nghiệp, tạo thêm việc làm để thu hút sinh viên hứng thú trở lại với ngành bán dẫn.

Tờ Fortune cho hay hàng triệu việc làm trong ngành sản xuất suốt 50 năm qua đã biến mất ở Mỹ khi những mảng như công nghiệp ô tô và điện tử dịch chuyển khỏi nền kinh tế này, tạo nên tỷ lệ thất nghiệp lớn trong ngành và làm suy yếu chuỗi cung ứng.

Việc khôi phục lại niềm tin của người lao động và đào tạo lại cả một hệ thống cung ứng nhân lực trình độ cao sẽ phải tốn nhiều năm, trong khi các thị trường khác như Châu Á lại có ưu thế vượt trội ở mảng này cả về số lượng lẫn chi phí.

*Nguồn: Fortune

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT