ACB dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu trong quý III/2023

ACB dự kiến phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 vào quý III/2023 để chi trả cổ tức, tỷ lệ chia 25%. Nếu phát hành thành công sẽ tăng vốn điều lệ từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

acb-du-kien-phat-hanh-5-trieu-co-phieu-trong-quy-iii-2023-antt-1683868044.jpg
Quý I/2023 của ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.517 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023. Ảnh minh họa.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Á Châu (MCK: ACB) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.215 tỷ, tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 78,5% trong tổng thu nhập hoạt động. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý I/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023.

Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng với gần 438 tỷ, tăng hơn 44% so với quý I/2022, chiếm 5,5% thu nhập hoạt động. Các hoạt động kinh doanh khác (ngoại trừ chứng khoán) đang đóng góp khoảng 567 tỷ đồng, tăng 54% so với  cùng kỳ năm trước.

Chi phí giảm là một trong những nhân tố quan trọng khác giúp thúc đẩy lợi nhuận trước thuế. Chi phí hoạt động của ngân hàng đã giảm từ 2.739 tỷ hồi quý I/2022 xuống gần 2.508 tỷ, tương ứng giảm 8% so với cùng kỳ.

Kết thúc ngày 31/3/2023, tổng tài sản của ACB đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 411.289 tỷ, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 1%.

Cuối quý I/2023, ACB có 422.755 tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 2,1% so với đầu năm; hơn 52.857 tỷ tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác- giảm 22%; gần 50.156 tỷ giấy tờ có giá, tăng 13%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm 0,6% so với cuối năm ngoái, đạt 411 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, mặc dù 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng giảm 2,8% so với cuối năm 2022, tháng 3, tín dụng của ngân hàng đã được khôi phục lại với 2,2%, chú yếu ở phân khúc dịch vụ khách hàng riêng.

Đáng chú ý, nợ xấu của ngân hàng ACB trong quý 1 tăng lên 0,97% (+32,24% so với Q4/2022), và nợ nhóm 2 cũng tăng lên 0,88% (+55,5% so với Q4/2022). Các chỉ tiêu ROEA đạt 26,3% và ROAA đạt 2,6%. Tỷ lệ nợ xấu của ACB đạt 0,74% cuối năm 2022 là một trong các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.

Trong một diễn biến khác, năm 2023, ngân hàng hoạch định hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 9,7%. Đồng thời, ngân hàng cũng lên kế hoạch chia cổ tức 25% trong năm nay, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Như vậy, ACB có khả năng phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022, dự kiến phát hành vào quý III/2023. Nếu phát hành thành công sẽ tăng vốn điều lệ từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT