ACB muốn huy động thêm 15.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
HĐQT ACB đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 2, dự kiến tổng giá trị phát hành là 15.000 tỷ đồng.
ACB muốn huy động 15.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay, đầu tư
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố Nghị quyết số 3146/TCQĐ-HĐQT.24 của HĐQT về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024.
Theo đó, HĐQT ACB đã phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 2 với tổng mệnh giá phát hành tối đa là 15.000 tỷ đồng.
Mỗi trái phiếu phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. Như vậy, tổng số lượng trái phiếu phát hành tối đa là 150.000 trái phiếu.
Trái phiếu phát hành đợt 2 là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Kỳ hạn tối đa 5 năm; dự kiến có 15 dợt phát hành. Mức lãi suất tùy theo nhu cầu của thị trường, Tổng Giám đốc sẽ quyết định lãi suất trái phiếu là lãi suất cố định hay thả nổi được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ.
Mục đích phát hành trái phiếu là nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nợ có khả năng mất vốn của ACB tăng gần 42%
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý II/2024 của ACB, trong kỳ, thu nhập lãi thuần đạt 7.111,5 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 877,6 tỷ đồng, tăng 9%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 30% so với cùng kỳ, ở mức 426 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động giảm khoảng 20 tỷ đồng so với quý II/2023, ở mức 2.465,6 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 17%, còn gần 588,2 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2024 của ACB đạt 4.468,6 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần 13.833 tỷ đồng, tăng 11% so với nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.490,6 tỷ đồng, tăng 5,5% và hoàn thành được 48% mục tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ACB là 769.678,7 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 15% còn 15.725 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác cũng giảm 8% xuống còn 105.419 tỷ đồng.
Về phía huy động, tiền gửi của khách hàng đạt 511.696 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay khách hàng ở mức 543.853 tỷ đồng, tăng 12,7%.
Về chất lượng nợ cho vay (không bao gồm 7.500,7 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB), tổng nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối quý II/2024 là 8.122,6 tỷ đồng, tăng gần 38% so với hồi cuối năm 2023. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 37% lên 1.287,7 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 24,8% lên gần 1.309,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 41,8% lên mức 5.525,6 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 1,22% lên gần 1,5%.
Trong một diễn biến khác, mới đây, ACB đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, tuân theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, tính đến ngày 30/7/2024, ông Trần Hùng Huy- Chủ tịch HĐQT ACB nắm 153 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ 3,427%.
Cũng theo công bố này, nhóm người có liên quan đến ông Huy nắm giữ 367 triệu cổ phiếu, tương đương 8,218%. Tổng cộng, ông Huy và nhóm người liên quan đang sở hữu hơn 520 triệu cổ phiếu, chiếm gần 12% vốn điều lệ của ACB.
ACB còn có 1 cổ đông cá nhân khác sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên là bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Trần Hùng Huy)- Thành viên HĐQT ACB. Tính đến thời điểm công bố, bà Thu Thủy sở hữu 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,194%. Trong khi đó, nhóm người có liên quan đến bà Thủy nắm giữ hơn 467 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 10,457%.
Ngoài 2 cổ đông cá nhân, ACB còn có 3 tổ chức nước ngoài nắm giữ trên 1% vốn điều lệ bao gồm: Smallcap World Fund, Inc. (2,51%); Boardwalk South Limited (1,842%); VOF PE Holding 5 Limited (1,715%) và một công ty bảo hiểm là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam (1,555%).