Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

ACB sắp rót thêm 1.000 tỷ đồng vào ACBS

Vũ Ngọc Quỳnh

Nếu tăng vốn thành công, ACBS sẽ đứng thứ 11 về vốn điều lệ trên thị trường, xếp sau công ty đứng cuối cùng trong Top10 là Vietcap (4.375 tỷ đồng).

acb-sap-rot-them-1000-ty-dong-vao-acbs-antt-1696821330.jpg
ACB sắp rót thêm 1.000 tỷ đồng vào ACBS. Ảnh minh hoạ

Ngân hàng TMCP Á Châu (MCK: ACB) vừa có nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).

Theo đó, ACBS sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Hình thức tăng vốn là chủ sở hữu góp thêm vốn.

Nếu tăng vốn thành công, ACBS sẽ đứng thứ 11 về vốn điều lệ trên thị trường, xếp sau công ty đứng cuối cùng trong Top10 là Vietcap (4.375 tỷ đồng).

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2021, ACB cũng đã rót thêm 1.500 tỷ đồng vào ACBS, giúp tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ 1.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng).

Trong 3 năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến làn sóng công ty chứng khoán tăng vốn mạnh. Nhóm công ty chứng khoán niêm yết đẩy mạnh chào bán cho cổ đông hiện hữu. Các ngân hàng cũng rót vốn mạnh vào công ty con.

Gần nhất, Chứng khoán VPBank tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trên thị trường. Hai công ty chứng khoán có liên quan đến ngân hàng là SHS và MBS hiện có vốn điều lệ lớn hơn ACBS.

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần ACB đạt 12.460 tỷ đồng, tăng 12,7%; Lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của ACB 630.893 tỷ đồng, tăng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 434.032 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 6 tháng trước đó. Tiền gửi khách hàng đang ở mức 432.410 tỷ đồng, tăng 4,4 % so với thời điểm 31/12/2022.

Về chất lượng tài sản, ACB đang đối diện với tình trạng nợ xấu tăng vọt sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến thời điểm 30/6/2023 đang ở mức 4.620 tỷ đồng, tăng 51,7% so với 6 tháng trước đó. Đáng chú ý, cả ba nhóm nợ (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) của ACB đều tăng mạnh. Kết thúc quý II, tỷ lệ nợ xấu của ACB nhích lên mức 1,07% (đầu năm là 0,7%).

Hà Anh (t/h)