Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

ACB thu lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng

Hà Thị Lưu Luyến

Sau 6 tháng đầu năm, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 9.990 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và đạt 50% kế hoạch cả năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả khả quan.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB thu về khoản lợi nhuận trước thuế gần 9.990 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn thu chính của ACB tăng 13% so với cùng kỳ, thu được gần 12.461 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Lãi từ dịch vụ là nguồn thu ngoài lãi duy nhất sụt giảm 17% còn 1.431,4 tỷ đồng.

Trái lại, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 71%, lên mức 765 tỷ đồng. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh thu được khoản lãi gần 115 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi gần 407 tỷ đồng so với con số vỏn vẹn 25 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động xấp xỉ cùng kỳ ở mức 4.993 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR được cải thiện còn 31%, giảm so với mức 36% trong nửa đầu năm 2022.

Trong nửa đầu năm, ACB dành ra 961 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập.

Như vậy, ACB báo lợi nhuận trước thuế gần 9.990 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, thực hiện được 50% trong kế hoạch lãi trước thuế 20.058 tỷ đồng cả năm.

chu-tich-nhay-duoi-mua-acb-thu-loi-nhuan-xap-xi-10-000-ty-dong-1690599957.jpg
Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy

Tính riêng trong quý II, ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy chi 706 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 267 tỷ đồng, do đó ACB lãi trước thuế hơn 4,832 tỷ đồng trong quý II, giảm nhẹ 2%.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản ngân hàng này tăng 4% so với đầu năm lên mức 630.893 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại TCTD khác tăng 8% ở mức 88.982 tỷ đồng, cho vay các TCTD khác giảm 77% còn 830 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 5% đạt 434,031 tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, lên mức 432.410 tỷ đồng. Tiền vay các TCTD khác giảm 56% còn 3,425 tỷ đồng.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng (CASA) có dấu hiệu tích cực khi tăng trở lại sau đợt giảm liên tục từ quý II/2022, lên 20,9% từ mức 19,8% tại cuối quý I.

Tỷ lệ LDR đạt mức 79%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 19%. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ ở mức 12,4%.

ACB cho biết mặt bằng lãi suất tăng cao từ cuối năm 2022, gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng, đã góp phần làm tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường, khi tăng lên 1,07%.

Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2023 của ACB là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2.12% đầu năm lên 2.3%.

Cùng với tình hình kinh doanh, thu nhập bình quân trên một nhân viên của ACB vẫn được duy trì ở mức cao, có sự cải thiện tốt qua các năm, hiện đạt bình quân ở mức 466 triệu/năm, tăng 12% mỗi năm trong vòng 5 năm trở lại đây. Mức thu nhập này đứng thứ 4 trong nhóm các ngân hàng có thu nhập tốt nhất trên thị trường.

Trung bình doanh thu một nhân viên đem lại hàng năm tăng tới 15%, trong khi mỗi năm ngân hàng chỉ tăng 5% về số lượng nhân viên, cho thấy sự cải thiện trong hiệu suất hoạt động qua từng năm.

Đầu tháng 6 vừa qua, ACB đã báo cáo kết quả về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2022. Theo đó, đã có 506.615.264 cổ phiếu được phân phối, gồm 506.593.908 cổ phiếu phân phối cho 58.268 cổ đông theo tỷ lệ và 21.356 cổ phiếu được xử lý theo hình thức cổ phiếu lẻ. Hiện tại, ACB đang có 3.884.050.358 cổ phiếu lưu hành trên thị trường.

Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ Ngân hàng ACB tăng từ 33.774 tỷ đồng lên vượt mức 38.840 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này còn chi hơn 3.774 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt. Đây là lần chia cổ tức tiền mặt trở lại sau 8 năm.

Trước đó, trong gala kỷ niệm 30 năm thành lập ngày 4/6, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB Trần Hùng Huy gây sốt với màn trình diễn hát nhảy dưới mưa cực "cháy".

Không chỉ nổi bật với năng khiếu nghệ thuật, Chủ tịch Trần Hùng Huy được biết đến là nhà lãnh đạo trẻ đã vực dậy ACB sau cuộc khủng hoảng gắn liền với vụ án Bầu Kiên ACB.

Trong 5 năm gần nhất, ACB ghi nhận lợi nhuận tăng theo từng năm và duy trì được tỷ lệ nợ xấu thuộc Top thấp nhất trong hệ thống.

Ông Trần Hùng Huy (1978) là con trai ông Trần Mộng Hùng - người sáng lập Ngân hàng ACB. Ông Huy trở thành chủ tịch ngân hàng trẻ nhất khi đảm nhận vị trí này từ 9/2012 khi mới 34 tuổi.

Ông Huy là một trong 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, hiện sở hữu 115,7 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,43% vốn ngân hàng, trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)