ACV để dành hơn 21.000 tỷ chờ Nhà nước “bật đèn xanh” cho tăng vốn, dồn lực đầu tư sân bay Long Thành

Trong năm 2024, ACV dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án trọng điểm, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4,6 tỷ USD).

ACV để dành hơn 21.000 tỷ chờ Nhà nước “bật đèn xanh” cho tăng vốn, dồn lực đầu tư sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Ngày 31/5, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã ACV) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 theo hình thực trực tuyến. Theo tài liệu mới cập nhật, ACV sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch năm 2024 với mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 20.325 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 6% so với thựchiện năm ngoái.

Năm nay, ACV ước tính tổng lượng hành khách đạt 103 triệu khách, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không được dự báo đạt 30,7 triệu, tăng 22,5% nhưng khách trong nước lại giảm 10% so với năm 2023, xuống mức hơn 72 triệu. Về vận chuyển hàng hóa, ACV dự báo mức tăng trưởng 8% so với năm 2023, đạt gần 1,4 triệu tấn.

Trong quý đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu 5.643 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, chi phí đồng thời không còn ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 79% so với quý 1/2023, lên mức 2.917 tỷ đồng, cao kỷ lục kể từ khi đi vào hoạt động.

photo-1717083033465

Trong năm 2024, ACV ước tính tổng mức đầu tư lên đến 138.593 tỷ đồng trong đó nhu cầu vốn ở mức 34.450 tỷ đồng. Tổng công ty dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án trọng điểm, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4,6 tỷ USD), bao gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do ACV làm chủ đầu tư.

Dự kiến sân bay Long Thành bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2026. Tiếp đến giai đoạn 2, sân bay Long Thành sẽ được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Trước đó, vào ngày 6/5, HĐQT ACV đã thông qua nghị quyết về việc vay vốn 1,8 tỷ USD từ 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV để tài trợ cho dự án sân bay Long Thành. Thời gian vay là 20 năm. Biện pháp đảm bảo là tài sản hình thành từ dự án (các hạng mục được phép thế chấp) cho dù các tài sản này đang có hay sẽ hình thành trong tương lai.

Ngoài Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV cũng đầu tư dự án Nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất; Mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - CHKQT Nội Bài; Nhà ga T2 Cát Bi; Nhà ga T2 Đồng Hới,... Các dự án dự kiến khởi công năm 2024 bao gồm: Nhà ga HK T2 Cát Bi; Mở rộng nhà ga hành khách T2 – CHKQT Nội Bài; các dự án Nhà ga hàng hóa: Đà Nẵng; Cát Bi;...

Một thông tin đáng chú ý khác sẽ được trình cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 là kế hoạch phân phối lợi nhuận 2023. Theo tài liệu, sau khi trích các quỹ, ACV còn đến hơn 21.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023. ACV cho biết, đang chờ ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngay sau khi có kết quả, ACV sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua nội dung này.

photo-1717083009017

Trước đó, tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu ngày 3/3, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV kiến nghị sớm phê duyệt tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận giữ lại để giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước vào đầu tư nâng cấp sửa chữa các khu bay, tăng sự chủ động cho doanh nghiệp cảng trong việc đầu tư phát triển.

ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần.

Tổng công ty hiện đang độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… ACV được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đã tăng hơn 52% từ đầu năm 2024 và hiện đang neo giá trên vùng đỉnh 6 năm. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại (100.500 đồng/cp), vốn hóa thị trường của gã khổng lồ ngành hàng không lên đến gần 219.000 tỷ đồng. Con số này đưa ACV xếp thứ 4 trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vietcombank, BIDV và Viettel Global.

photo-1717082931730

 

Hà Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT