Ai đang sở hữu Quốc tế Lạng Sơn?

Quốc tế Lạng Sơn được biết đến là chủ đầu tư của dự án sân golf Hoàng Đồng. Trước đây, cổ đông nước ngoài nắm số cổ phần chi phối, thế nhưng sau thời gian dài chậm triển khai, cổ đông ngoại đã thoái sạch vốn.

Dự án sân golf Hoàng Đồng

Dự án khách sạn, sân golf Hoàng Đồng (TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) do Công ty Liên doanh Quốc tế Lạng Sơn (nay là Công ty CP Quốc tế Lạng Sơn) là nhà đầu tư. Dự án được cấp phép năm 2004 với quy mô dự án sử dụng đất 186 ha, khởi công năm 2009.

Các hạng mục ban đầu của dự án (thời điểm công bố ra mắt 2011) gồm: 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế; sân golf 18 lỗ với quy mô hơn 60 ha; khu nhà thương mại giai đoạn 1 gồm có 240 căn hộ; khu biệt thự và các công trình phúc lợi như đường giao thông, chợ truyền thống, vườn hoa công viên, vành đai cây xanh, câu lạc bộ vui chơi giải trí, bể bơi, các sân chơi thể thao, hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư dự án là 51 triệu USD.

Thế nhưng, dự án này đã bị chậm tiến độ, không có dấu hiệu triển khai hơn một thập kỷ. Đến tận năm 2018, dự án mới được tái khởi động với việc đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-UBND, ngày 30/5/2018.

Theo đó, quy mô diện tích lập quy hoạch được nâng lên hơn 192,8ha. Dự án có 4 hạng mục chính gồm: xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng dự án với quy mô 12,7ha; sân golf 18 lỗ quy mô sử dụng đất 65,7 ha; khu nhà ở, biệt thự để bán và cho thuê diện tích 43,1ha; xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí 71,3ha. Tổng mức đầu tư dự án được nâng lên hơn 61 triệu USD.

Tính đến tháng 12/2018, TP.Lạng Sơn bàn giao cho nhà đầu tư 138ha. Trong đó, hạng mục khu tái định cư bàn giao 8ha, sân golf 55ha, khu khách sạn 5 sao và vui chơi giải trí 31ha và 43,1ha thuộc khu nhà ở, biệt thự để bán và cho thuê.

Thế nhưng, dự án này một lần nữa không thể triển khai theo kế hoạch.

Ai đang sở hữu Quốc tế Lạng Sơn?- Ảnh 1.

Phối cảnh ban đầu dự án sân golf khách sạn Hoàng Đồng.

Dữ liệu của PV cho thấy, tháng 12/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định số 2227/QĐ-UBND về việc chấp thuận Chủ trương đầu tư đồng thời Chấp thuận nhà đầu tư. Quốc tế Lạng Sơn được giao làm tổ chức kinh tế thực hiện dự án.

Theo đó, tiến độ góp vốn dự án theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2009 đến 2023, vốn tự có là 464,083 tỷ đồng (đúng bằng vốn góp của Quốc tế Lạng Sơn); Giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2026, vốn huy động 600,876 tỷ đồng; Giai đoạn 3 các công trình trên đất chưa được bàn giao hoặc chưa được bồi thường GPMB (36 tháng kể từ thời điểm có quyết định giao đất để thực hiện dự án), vốn huy động 257,518 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện các mục tiêu cũng được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 hoàn thiện các căn nhà liền kề đã xây thô (khoảng 240 căn, hoàn thành vào quý IV/2024, sân golf hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 24 tháng kể từ thời điểm có quyết định giao đất, khu tái định cư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong quý IV/2024 và Cơ sở giáo dục, y tế, mầm non hoàn thành trong năm 2024; Giai đoạn 2 Hội trợ triển lãm, khu trưng bày, khu khách sạn và các hạng mục nhà liền kề còn lại, biệt thự, chung cư dự kiến hoàn thành trong quý IV/2026; Giai đoạn 3 các công trình còn lại theo quy hoạch chi tiết được duyệt sẽ xây dựng và hoàn thành trong 36 tháng kể từ thời điểm có quyết định giao đất.

Ai đang sở hữu Quốc tế Lạng Sơn?

Theo dữ liệu của PV, Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn được thành lập ngày 23/12/2009, đóng trụ sở tại thôn Hoàng Trung (Nà Tâm cũ), xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Tại thời điểm tháng 7/2021, công ty có 2 người đại diện theo pháp luật là ông V.N – Chủ tịch HĐQT và ông Lâm Bảo Kỳ, sinh năm 1962, người Đài Loan (Trung Quốc).

Công ty có vốn điều lệ 464,083 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm: Công ty Cổ phần Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn - Tocolimex; Công ty Kai Chieh International Investment LTD (Cayman Island, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland), Công ty Ever Gigantic CO., LTD (British Virgin Islands, Trung Quốc, Đài Loan), Công ty Sky Master INT I CO., LTD (British Virgin Island, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) và cá nhân Ngô Minh Đức (Đài Loan, Trung Quốc).

Trong đó, Tocolimex – doanh nghiệp trước đây trực thuộc UBND tỉnh Lạng Sơn. Một dữ liệu của PV cho thấy, UBND tỉnh Lạng Sơn đứng ra bảo lãnh cho Tocolimex vay 4,05 triệu USD để góp vốn vào Quốc tế Lạng Sơn. Số tiền này được chuyển vào tài khoản chuyên dùng của Ban đền bù GPMB TP Lạng Sơn để phục vụ mục đích đền bù GPMB cho dự án của Quốc tế Lạng Sơn.

Ngày 30/6/2021, Tocolimex có nghị quyết chuyển nhượng cổ phần chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho khoản đầu tư vào Quốc tế Lạng Sơn. Cùng ngày, Tocolimex đã có hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Về các cổ đông ngoại, tính đến tháng 11/2021, các cổ đông này đã thoái toàn bộ vốn tại Quốc tế Lạng Sơn. Lúc này, ông V.N từ vị trí Chủ tịch HĐQT chuyển sang làm Tổng giám đốc.

Đến tháng 10/2022, vị trí Chủ tịch HĐQT được giao cho ông Trần Trung Dũng (SN 1972). Và chỉ 1 năm sau đó (tháng 10/2023) vị trí Chủ tịch HĐQT Quốc tế Lạng Sơn được chuyển lại cho ông N.D.T (SN 1981).

Hiện nay, ngoài Quốc tế Lạng Sơn, ông N.D.T còn được biết đến là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bình Minh Hoành Bồ và CTCP đầu tư và phát triển Việt Ba.

Dữ liệu của PV cho thấy, tháng 4/2023, Việt Ba phát sinh hợp đông hợp tác kinh doanh số 024-04/2023/HĐHTKD/AK-VB với nhà đầu tư dự án sân golf Hoàng Đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT