Ai thay thế ông Nguyễn Đỗ Lăng ngồi 'ghế' Tổng Giám đốc Chứng khoán Apec?

Chứng khoán Apec bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng thay thế ông Nguyễn Đỗ Lăng và bà Nguyễn Thị Thanh đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngày 9/8, Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec, MCK: APS) vừa công bố quyết định thay đổi nhân sự cấp cao.

Cụ thể, Chứng khoán Apec miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Đỗ Lăng và chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Thanh kể từ ngày 9/8/2023.

Đồng thời, ông Nguyễn Đức Quân được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc, Người đại diện pháp luật, Người phụ trách quản trị công ty kể từ ngày 9/8/2023.

ai-thay-the-ong-nguyen-do-lang-ngoi-ghe-tong-giam-doc-chung-khoan-apec-1691657700.PNG
Ông Nguyễn Đức Quân được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Chứng khoán Apec.

Ông Quân hiện đang là Thành viên Ban Kiểm soát, Giám đốc kinh doanh tại Chứng khoán Apec, trình độ Cử nhân kinh tế. Ông gia nhập APS từ năm 2009 với chức vụ nhân viên phòng Dịch vụ Chứng khoán, tới năm 2020 được bổ nhiệm là Giám đốc khối Kinh doanh Chứng khoán. Ngoài ra, ông Quân còn là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam.

Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng kiểm soát nội bộ được bổ nhiệm vào vị trí Người phụ trách công bố thông tin của công ty.

Trước đó, Chứng khoán Apec cũng bãi nhiệm ông Phạm Duy Hưng khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT và bầu ông Vũ Trọng Quân - Thành viên HĐQT đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 29/06. 

Những thay đổi nhân sự cấp cao là tất yếu sau khi dàn lãnh đạo nhóm Apec bị khởi tố, bắt tạm giam. Theo đó hồi cuối tháng 6/2023, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Chứng khoán Apec, CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán gồm Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc APS; Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng; Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT APS; Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng APS và Phạm Thị Đức Việt - Phó Phòng dịch vụ khách hàng.

Về tình hình kinh doanh của Chứng khoán Apec, trong quý II/2023, doanh thu hoạt động tăng 316% so với cùng kỳ năm ngoái lên 233 tỷ đồng nhờ khoản lãi từ tài sản FVTPL cao gấp 14 lần, đạt 226 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc đánh giá lại danh mục tự doanh.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, APS báo lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng quý II/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ lên tới gần 363 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Chứng khoán Apec báo doanh thu hoạt động đạt 360,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế ghi nhận hơn 46 tỷ đồng.

Trong năm 2023, APS đặt mục tiêu 855 tỷ đồng doanh thu và 230 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp này đã thực hiện được 42% doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.

Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý II của APS đạt 1.023 tỷ đồng, trong đó danh mục FVTPL có giá gốc gần 679 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu niêm yết như API, IDJ (thuộc hệ sinh thái APEC), CTI, DPG, CRE, HCD, TNH, DXS,…, giá gốc 455 tỷ trong khi giá trị hợp lý chỉ 313 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 142 tỷ đồng.

Sau nhiều thông tin tiêu cực, cổ phiếu APS lao dốc từ tháng 6 đến tháng 7/2023, và dần hồi phục trở lại trong vòng một tháng gần đây. Chốt phiên 10/8, thị giá APS tăng 40% lên mức 8.000 đồng/cổ phiếu.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT