AI 'về làng'- chưa bao giờ việc bón phân, tưới nước ở thị trấn nhỏ này đơn giản như thế: Thời gian rút ngắn còn 1/10, tăng giá trị lại không thay thế con người
"AI có thể tạo bức tranh lớn, nhưng con người vẫn đóng vai trò then chốt trong từng chi tiết nhỏ", một người nông dân Trung Quốc cho hay.

Trong một vườn đào ở thị trấn Dương Sơn, tỉnh Giang Tô, anh nông dân 33 tuổi Vương Hoàn đang quan sát một chiếc drone bay lượn trên không trung, ghi lại hình ảnh sắc nét của vườn đào.
Mỗi ngày, chiếc drone này đều thu thập hình ảnh kết hợp với số liệu từ các cảm biến đo nhiệt độ và độ ẩm đất. Sau đó, dữ liệu được nhập vào một thuật toán AI chạy trên Alibaba Cloud để phát hiện dấu hiệu sâu bệnh. Nếu phát hiện vấn đề, một chiếc drone khác sẽ lập tức được điều đi rải thuốc trừ sâu đúng vị trí.
“Drone chỉ mất khoảng nửa tiếng để phun thuốc cho 10 mẫu đất (0,7 ha) của tôi. Nếu làm thủ công, tôi phải mất chừng 5 tiếng, tức lâu hơn gấp 10 lần”, anh Vương cho biết.
Theo The World of Chinese, trong bối cảnh nông thôn Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhân công già hóa và nhu cầu tăng năng suất ngày, cả nông dân lẫn bộ máy địa phương Trung Quốc đều đang ứng dụng AI để hiện đại hóa nông nghiệp và quản trị nông thôn.
Năm 2021, mệt mỏi vì áp lực công việc trong ngành thương mại điện tử, Vương Hoàn trở về quê làm nông. Nhưng anh nhanh chóng nhận ra mình không đọ được sức bền cũng như kinh nghiệm dày dạn của các lão nông.
“Những nông dân lớn tuổi dựa vào kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thập kỷ để làm việc. Còn đối với chúng tôi, chẳng thể chờ mười năm để học đủ kiến thức rồi mới áp dụng”, anh nói.

Máy bay không người lái đa quang phổ chủ yếu sử dụng dữ liệu từ các bước sóng đỏ, vàng và xanh lam để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của cây đào.

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch Nông nghiệp Thông minh Quốc gia”, kêu gọi ứng dụng công cụ AI trong toàn bộ ngành nông nghiệp. Theo kế hoạch, AI sẽ quản lý mọi khâu, từ trồng trọt, chăn nuôi đến phòng trừ sâu bệnh. Tháng 2, Quốc vụ viện tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp thông minh bằng việc mở rộng ứng dụng AI kết hợp dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ tiên tiến khác cho phát triển và quản lý nông thôn.
Các sáng kiến AI địa phương cũng tăng tốc. Tháng 2 năm ngoái, thành phố Triệu Khánh ở tỉnh Quảng Đông ra mắt chatbot “Ông Lan”, có thể trả lời mọi câu hỏi về chuỗi trồng hoa lan, từ gieo trồng đến phân phối, và đưa ra gợi ý chăm sóc. Tháng 2 năm nay, Tân khu Hùng An ở Hà Bắc cũng ra mắt chatbot “Hùng Tiểu Nông”, cung cấp hướng dẫn trồng trọt và phòng trừ sâu bệnh, dựa trên dữ liệu của chuyên gia lẫn nông dân giàu kinh nghiệm.
Với những nông dân trẻ như Vương Hoàn, AI hỗ trợ cả về thực tiễn lẫn tâm lý. “Bạn có thể biết cách bón phân cho cây, nhưng không rõ liều lượng chính xác”, Vương nói. Nay nhờ có AI phân tích ảnh do drone chụp, anh dễ dàng điều chỉnh lượng kali để mỗi quả đào chín đạt độ ngọt đồng đều.

AI cũng có thể kết hợp quang phổ cận hồng ngoại để đánh giá độ chín của trái cây. ShineGlobal đưa tin hồi tháng 2 rằng một số nông dân đã dùng AI để kiểm tra độ chín của sầu riêng chỉ trong vài giây. Điều này đã rút ngắn quy trình vốn mất ba ngày nếu làm thủ công xuống chỉ còn hai giờ khi áp dụng tự động hóa, đồng thời cải thiện độ chính xác của dự đoán độ chín của sầu riêng từ 50% lên 91%.
Tuy nhiên, nông nghiệp tự động hoá không hề rẻ. Một bộ drone đầy đủ cùng giấy phép phần mềm ngốn của Vương Hoàn hơn 200.000 NDT (730 triệu đồng), cộng phí phần mềm hàng năm gần 2.000 tệ (73 triệu đồng). Với hầu hết nông dân ở quê, chỉ canh tác vài chục mẫu (cỡ một sân bóng), thì con số trên là khoản đầu tư lớn.
“Nếu dùng máy móc thì lâu thu hồi vốn hơn so với nhân công”, Vương Hoàn chia sẻ. Anh dự định cho thuê drone phun thuốc để bù lại chi phí.
Ngoài bài toán tài chính, độ tuổi trung bình cao của lực lượng lao động nông nghiệp Trung Quốc cũng cản trở việc phổ cập AI. Ở làng của Vương Hoàn, khoảng 70% nông dân trên 50 tuổi, nhiều người e ngại hoặc không đủ khả năng tiếp cận công nghệ mới. Theo thống kê, chưa đến 5% nông dân Trung Quốc có thể tự sử dụng ứng dụng nông nghiệp.
Tuy vậy, các chương trình do chính phủ hậu thuẫn như “AI 101 cho người địa phương” của Tencent đang nỗ lực phổ cập kiến thức công nghệ cho nông dân.

Tencent cung cấp các khóa học AI cơ bản ở vùng nông thôn Chiết Giang, Trung Quốc.

Thiếu dữ liệu, chi phí hệ thống cao và thiết bị hiệu suất thấp cũng được cho là rào cản lớn cho nông nghiệp thông minh ở Trung Quốc.
Ông Triệu Lâm, Phó Bí thư thôn Song Thạch thuộc tỉnh Tứ Xuyên cho biết khi ông nhờ AI soạn kế hoạch trồng rau trị giá một triệu tệ cho thôn của mình, thì AI “chỉ tuôn ra mấy ý sáo rỗng, chép từ nguồn khác mà chẳng có trích dẫn”. “AI nói nghe có vẻ thuyết phục, nhưng thực chất không có nhiều giá trị”, ông Triệu nói.
Ở thôn Song Thạch của ông Triệu, hệ thống nông nghiệp thông minh đã được ứng dụng vài năm nay. Trên ruộng rau, cảm biến liên tục theo dõi hàng trăm chỉ số môi trường theo thời gian thực. Các dữ liệu này cũng được các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Tây Nam phân tích để dự báo sinh trưởng cây, khí hậu, kháng sâu bệnh.
“Dựa vào số liệu, chuyên gia sẽ cho biết chính xác loại nước, phân, thuốc cần dùng mỗi mùa vụ. Sau khi thu hoạch, các công cụ AI như DeepSeek sẽ giúp nông dân tính giá thị trường, giúp họ bán được giá tốt nhất”, ông Triệu chia sẻ.

AI không thể tự mình cách mạng hóa nông nghiệp, nó phải kết hợp với Internet vạn vật, dữ liệu lớn và máy móc nông nghiệp hiện đại. “Không có dữ liệu, AI thông minh mấy cũng vô dụng”, ông Triệu nói.
Vương Hoàn đồng tình với quan điểm này. Anh nghĩ AI đóng vai trò như một trợ lý, hỗ trợ con người thay vì thay thế họ. Gần đây, anh nhận ra dù AI có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường rõ rệt của cây, nó thường bỏ lỡ những chuyển biến nhỏ nhưng quan trọng mà bất kỳ lão nông nào cũng nhận ra ngay. Ngoài ra, mặc dù AI làm tốt những công việc định kì như bón phân, phun thuốc, nhổ cỏ, thì các công việc cần ứng biến hơn như hái quả, đóng gói thì vẫn cần lao động thủ công.
“Không phải có AI là nông dân không cần ra đồng. Bạn phải biết vận dụng AI một hiệu quả, đồng thời tích lũy kinh nghiệm trồng trọt và kỹ năng liên quan. AI có thể tạo ra một bức tranh tổng quan, nhưng con người vẫn đóng vai trò then chốt trong từng chi tiết nhỏ", Vương Hoàn đánh giá.
Khánh Vy