Ấn Độ gặp khó vì ‘cái tủ lạnh’: Phóng được vệ tinh lên Mặt Trăng, chạy đua làm chip nhưng lại thiếu thiết bị để giữ lương thực tươi lâu, bỏ phí tới 78,2 triệu tấn thực phẩm mỗi năm

Ấn Độ đang muốn trở thành công xưởng mới của thế giới với cuộc đua phát triển công nghệ, xây nhà máy bán dẫn...thế nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém đang là thách thức không hề nhỏ.

Ấn Độ gặp khó vì ‘cái tủ lạnh’: Phóng được vệ tinh lên Mặt Trăng, chạy đua làm chip nhưng lại thiếu thiết bị để giữ lương thực tươi lâu, bỏ phí tới 78,2 triệu tấn thực phẩm mỗi năm- Ảnh 1.

Ấn Độ đang bỏ phí lương thực nhiều thứ 2 thế giới sau Trung Quốc chỉ vì thiếu "tủ lạnh".

Báo cáo "United Nations Food Waste Index Report" mới đây của Liên Hợp Quốc (UN) cho thấy Ấn Độ đang đổ phí 78,2 triệu tấn lương thực mỗi năm, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, bất chấp đang nằm trong nhóm những nước thiếu lương thực trầm trọng.

Cụ thể, số liệu của "Global Hunger Index" xếp Ấn Độ hạng 111/125 với chỉ số thiếu lương thực ở mức "nghiêm trọng" (Serious).

Nguyên nhân chính của tình trạng phung phí thức ăn này đến từ cơ sở hạ tầng kém khiến Ấn Độ không có đủ thiết bị đông lạnh dự trữ lương thực sau thu hoạch. Điều này khiến lượng lớn thực phẩm bị hỏng dưới thời tiết nắng nóng kỷ lục trong mùa hè năm nay tại Ấn Độ.

Cũng theo báo cáo của UN, bình quân mỗi người dân Ấn Độ đổ phí 55kg lương thực mỗi năm. Nếu xếp theo bình quân đầu người thì đứng đầu bảng xếp hạng tiết kiệm lương thực là Bhutan với mức đổ thừa chỉ vào khoảng 19kg/người/năm, còn Pakistan đứng cuối với 130kg/người/năm.

Ấn Độ gặp khó vì ‘cái tủ lạnh’: Phóng được vệ tinh lên Mặt Trăng, chạy đua làm chip nhưng lại thiếu thiết bị để giữ lương thực tươi lâu, bỏ phí tới 78,2 triệu tấn thực phẩm mỗi năm- Ảnh 2.

Câu chuyện này hoàn toàn khác so với Trung Quốc khi sự lãng phí lương thực chủ yếu đến từ văn hóa trọng "mặt mũi" của người dân, coi sự dư thừa là biểu tượng của giàu có.

Nghịch lý ‘cái tủ lạnh’

Tháng 8/2023, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ xuống cực nam của Mặt trăng. Thành công này đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới từng đưa tàu đáp xuống hành tinh này cùng với Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây.

Trong sứ mệnh không gian đầu tiên của năm 2024, Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã phóng thành công vệ tinh phân cực tia X (XPoSat) từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở đảo Sriharikota, bang miền Nam Andhra Pradesh.

Trước đó, nước này cũng đưa được tàu Aditya-L1 với sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời.

Hàng loạt những tin tức tích cực về ngành vũ trụ hàng không đã khẳng định được vị thế của Ấn Độ trong làng công nghệ. Thậm chí việc nước này tích cực chạy đua xây nhà máy bán dẫn, phát triển công nghệ chip cũng được đánh giá là đầy tiềm năng.

Thế nhưng Ấn Độ vẫn có điểm yếu chí mạng là cơ sở hạ tầng yếu kém hay cụ thể hơn là mất cân bằng giữa các vùng trên đất nước. Mặc dù đi đầu trong nhiều mảng công nghệ so với đối thủ trên toàn cầu nhưng Ấn Độ lại chưa phủ sóng được cơ sở hạ tầng tối thiểu cho phát triển ở nhiều nơi.

Một ví dụ điển hình là việc nước này thiếu thiết bị trữ lạnh để bảo quản thực phẩm gây thất thoát nhiều lương thực thứ 2 thế giới như ở trên.

Ấn Độ gặp khó vì ‘cái tủ lạnh’: Phóng được vệ tinh lên Mặt Trăng, chạy đua làm chip nhưng lại thiếu thiết bị để giữ lương thực tươi lâu, bỏ phí tới 78,2 triệu tấn thực phẩm mỗi năm- Ảnh 3.

Việc thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản thực phẩm này khiến 15% số hoa quả và rau xanh thu hoạch tại Ấn Độ bị hỏng. Người nông dân nước này quá nghèo để đầu tư cho hệ thống thiết bị bảo quản lạnh cũng như chi phí vận chuyển giữ đông. Hậu quả là dưới thời tiết nắng nóng kỷ lục, phần lớn nông sản thu hoạch đều bị ảnh hưởng.

Câu chuyện ở đây không chỉ là cái tủ lạnh mà còn liên quan đến cơ sở hạ tầng nói chung, từ hệ thống giao thông nối liền nông trại đến các nhà kho hay cơ sở phân phối, hệ thống phát điện nhằm đảm bảo năng lượng cho thiết bị, chuỗi cung ứng sản phẩm hóa học, thiết bị cùng vô số những kỹ thuật khác.

Bình quân Ấn Độ thiệt hại khoảng 18,4 tỷ USD tổng giá trị lương thực trong năm tài khóa 2020-2021 vì cơ sở hạ tầng yếu kém.

Tổng công suất kho lạnh ở Ấn Độ chỉ vào khoảng 30 triệu tấn nhưng chủ yếu nằm trong tay các lái buôn, trong khi người nông dân không có đủ tiền mua thiết bị và cũng chẳng có đủ xe chuyên dụng bảo quản nông sản.

Bởi vậy khi một xe nông sản tốn 24 tiếng đồng hồ vận chuyển từ trang trại đến nhà kho lái buôn trong thời tiết nắng nóng, lượng lớn sản phẩm đã bị hỏng.

Ấn Độ gặp khó vì ‘cái tủ lạnh’: Phóng được vệ tinh lên Mặt Trăng, chạy đua làm chip nhưng lại thiếu thiết bị để giữ lương thực tươi lâu, bỏ phí tới 78,2 triệu tấn thực phẩm mỗi năm- Ảnh 4.

Vẫn chưa đủ

Tại Ấn Độ, nhiều người thường nói vui rằng trong bất kỳ lĩnh vực công nghệ nào họ cũng có thể tìm được một chuyên gia xứng tầm thế giới. Không phải tự nhiên mà CEO của Microsoft hay Alphabet (Google), hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về tổng vốn hóa, lại là người Ấn Độ.

Với dân số 1,4 tỷ người người, hàng năm nền kinh tế Nam Á này cung ứng nửa triệu kỹ sư và chuyên gia phần mềm cho Phương Tây. Ấn Độ cung là nhà cung cấp thuốc gốc lớn nhất trên toàn cầu, đồng thời có thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.

Trên thị trường khởi nghiệp, Ấn Độ có 100 startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên (kỳ lân), đứng thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc.

Hàng loạt những ngành như đóng tàu, công nghệ vật liệu, sinh học...của Ấn Độ đều đang phát triển mạnh mẽ. Thị trường tiêu dùng nước này đứng thứ 11 thế giới và dự kiến tăng lên vị trí thứ 5 vào năm 2030.

Đây cũng là thị trường điện thoại di động lớn đứng thứ 2 toàn cầu chỉ sau Trung Quốc.

Những số liệu "khủng" trên khiến nhiều người cho rằng Ấn Độ phải là một nền kinh tế phát triển rực rỡ chẳng kém Trung Quốc, nhất là với tham vọng soán ngôi công xưởng toàn cầu.

Thế nhưng số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy Ấn Độ đang là nơi có lượng người sống dưới chuẩn nghèo quốc tế, tức là thu nhập dưới 1,25 USD/ngày, nhiều nhất nhì thế giới.

Ấn Độ gặp khó vì ‘cái tủ lạnh’: Phóng được vệ tinh lên Mặt Trăng, chạy đua làm chip nhưng lại thiếu thiết bị để giữ lương thực tươi lâu, bỏ phí tới 78,2 triệu tấn thực phẩm mỗi năm- Ảnh 5.

Hệ thống đường xá, giao thông, viễn thông của Ấn Độ cũng xuống cấp nghiêm trọng và không được đầu tư đúng mức. Tờ Wall Street Journal thậm chí đã miêu tả Mumbai có những con đường ba làn nhưng thường xuyên bị tắc nghẽn bởi 5 làn xe cộ bấm còi inh ỏi. Thế rồi hàng đoàn tàu chật cứng người leo lên cả trần toa chẳng phải là hình ảnh hiếm lạ.

Nhiều con đường tại Ấn Độ ở trong tình trạng tệ hại, bị sụt lún và nhiều ổ voi ổ gà.

Theo Oxford Economics, Ấn Độ chưa có đủ có sở hạ tầng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế hướng đến cột mốc thu nhập cao hơn. Thậm chí nước này vẫn đi sau Trung Quốc, nền kinh tế vốn đã dành nhiều thập kỷ đầu tư số tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế là công xưởng của thế giới.

"Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ có tốt hơn rõ ràng không? Câu trả lời là có. Liệu có đủ tốt để đáp ứng các tham vọng kinh tế của Ấn Độ không? Câu trả lời là không. Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện", ông Arup Raha, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics nhận định.

*Nguồn: Tổng hợp

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT