Áp lực lãi vay, Thuận Đức (TDP) báo lãi ròng năm 2023 ‘đi lùi’ 54%

Lũy kế năm 2023, Doanh nghiệp đạt 3.849,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18,5%; trong khi lãi ròng chỉ đạt gần 43,4 tỷ đồng, giảm tới 54% so với năm 2022.

ap-luc-lai-vay-thuan-duc-tdp-bao-lai-rong-nam-2023-di-lui-54-antt-1705916272.jpg
Áp lực lãi vay, Thuận Đức (TDP) báo lãi ròng năm 2023 ‘đi lùi’ 54%.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2023 mới được công bố của CTCP Thuận Đức (MCK: TDP), doanh thu của TDP đã tăng 17%, lên 1.134,8 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng tăng chậm hơn (tăng 14,7%) đã giúp cho lãi gộp của doanh nghiệp tăng hơn 33%, lên 98,2 tỷ đồng.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính giảm 36%, xuống còn 11,3 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 11%, lên 51,8 tỷ đồng, Phần tăng chủ yếu đến từ chi phí lãi vay, chiếm 50,4 tỷ đồng, cho thấy việc trả lãi vay đang thực sự là vấn đề đối với Thuận Đức.

Ngoài ra, chi phí bán hàng gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước; chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 13%, còn hơn 16,6 tỷ đồng.

Kết quả, TDP báo lãi ròng hơn 17 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế năm 2023, Doanh nghiệp đạt 3.849,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18,5%; trong khi lãi ròng chỉ đạt gần 43,4 tỷ đồng, giảm tới 54% so với năm 2022.

Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản TDP đạt 3.683,4 tỷ đồng, tăng 10,9% so đầu năm. Trong đó, TDP có 9,6 tỷ đồng tiền mặt, 507,8 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 15 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Agribank phát hành với kỳ hạn 7 năm, lãi suất trái phiếu bằng lãi suất tham chiếu +1,2%/năm. Hàng tồn kho tăng hơn 40% so với thời điểm đầu năm, lên 1.352,5 tỷ đồng, chiếm gần 37% tổng tài sản.

Đáng chú ý, khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh tăng từ 161,7 tỷ đồng lên 298,5 tỷ đồng, do đầu tư thêm vào CTCP Thuận Đức ECO. Tại ngày 31/12/2023, Thuận Đức ECO có vốn điều lệ là 425 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Thuận Đức tại công ty này là 48,94%.

Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của TDP còn hơn 2.826 tỷ đồng, tăng gần 13% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính đạt 2.411,5 tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng nguồn vốn và gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu cho thấy Công ty  đang hoạt động chủ yếu dựa vào nợ vay.  

Ở diễn biến mới nhất, giữa tháng 1/2024, Thuận Đức đã công bố thông tin được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông qua 02 phương án huy động vốn từ kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Theo đó, Thuận Đức sẽ chào bán 7,55 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 10:1.

Dự kiến giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, công ty sẽ thu về 113,29 tỷ đồng. Số tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu sẽ được Thuận Đức sử dụng để thanh toán một số khoản vay ngắn hạn đến hạn. Thời gian đăng ký mua cổ phiếu từ ngày 16/2/2024 đến ngày 20/3/2024.

Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu, Thuận Đức cũng được UBCKNN chấp thuận kế hoạch chào bán trái phiếu nhằm tái cơ cấu nợ vay ngắn hạn. Dự kiến Thuận Đức sẽ phát hành 3 triệu trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng số tiền thu về khoảng 300 tỷ đồng sẽ được Thuận Đức sử dụng để tái cơ cấu nguồn vốn, trả các khoản nợ ngắn hạn và tăng các khoản nợ dài hạn.

Như vậy, TDP dự kiến thu về hơn 413 tỷ đồng thông qua hai kênh huy động nói trên, toàn bộ đều dùng để thanh toán nợ cũ và không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT