Bách Giang DCI của Chủ tịch Trịnh Thị Hà tất toán lô trái phiếu 1.155 tỷ đồng

Sau khi tiến hành mua lại hơn 86 tỷ đồng, Bách Giang DCI đã tất toán trước hạn lô trái phiếu REV.Bond.2018 kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị phát hành là 1.155 tỷ đồng.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Phát triển Đầu tư- Xây dựng Bách Giang-DCI mới công bố về kết quả mua lại trái phiếu REV trước hạn.

bach-giang-dci-cua-chu-tich-trinh-thi-ha-tat-toan-lo-trai-phieu-1155-ty-dong-antt-2-1696843858.PNG
Bách Giang DCI tất toán trước hạn lô trái phiếu REV.Bond.2018. Nguồn: HNX

Cụ thể, ngày 2/10/2023, Bách Giang DCI đã chi 86 tỷ đồng mua lại trái phiếu REV.Bond.2018.

Đây là lần thứ 5 Bách Giang DCI chi tiền mua lại trước hạn mã trái phiếu này. Lần gần đây nhất, ngày 13/9/2023, doanh nghiệp mua lại trước hạn 128 tỷ đồng trái phiếu, đưa khói lượng còn lại sau khi mua lại (theo mệnh giá) là 86 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi mua lại 86 tỷ đồng, Bách Giang DCI đã hoàn thành tất toán trước hạn toàn bộ lô trái phiếu REV.Bond.2018.

Được biết, đây là lô trái phiếu phát hành ngày 17/9/2018, kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị phát hành là 1.155 tỷ đồng.

Theo thông tin tại Cục đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo (Bộ Tư pháp), tháng 10/2018, Bách Giang DCI mang toàn bộ quyền tài sản và lợi ích của doanh nghiệp này phát sinh từ hoặc có liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang - Hưng Yên do Bách Giang DCI là chủ đầu tư, đem thế chấp tại Ngân Hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

Về Bách Giang DCI, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2004, do bà Trịnh Thị Hà là Chủ tịch HĐQT.

Tháng 5/2023, Bách Giang DCI sáp nhập CTCP Đầu tư Thủy Hòa và Revital Việt Nam. Sau sáp nhập, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ 2.652 tỷ đồng lên 3.542 tỷ đồng.

Ngoài là Chủ tịch HĐQT Bách Giang DCI, bà Trịnh Thị Hà còn được biết đến là người đại diện loạt doanh nghiệp nằm trong "hệ sinh thái" của Tây Giang Group

Tây Giang Group là tập đoàn hoạt động đầu tư đa ngành, với lĩnh vực cốt lõi là khai thác khoáng sản tại một số địa phương miền núi phía Bắc. Trong đó, CTCP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang (Tây Giang) đóng vai trò hạt nhân chính khi tham gia rót vốn tại nhiều công ty thành viên.

Trong lĩnh vực khai khoáng, Tây Giang Group đang sở hữu nhiều dự án lớn như: Nhà máy sản xuất chì kim loại điện giải công suất 10.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 720 tỷ (Khu công nghiệp Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang); Nhà máy sản xuất Ferrromangan và Dioxit Mangan điện giải, tổng mức đầu tư 578 tỷ đồng (xóm Bản Gủn, xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, Cao Bằng)….

Nhóm Tây Giang cũng có tham vọng ở lĩnh vực địa ốc và là chủ một loạt dự án như: Chung cư Discovery Complex Hoàng Quốc Việt (số 254 Hoàng Quốc Việt, TP.Hà Nội); nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (vị trí tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội); Chung cư DLC Complex (số 199 Nguyễn Tuân, TP.Hà Nội); hợp tác/liên danh với CTCP Xây lắp điện 1 (MCK: PC1, sàn HoSE) làm chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoàng Gia Cao Bằng - Royal Hotel và trúng sơ tuyển tại dự án Phát triển đô thị số 4A1 (phường Đề Thám, TP.Cao Bằng).

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT