Bài học Singapore Airlines: Cuộc khủng hoảng hãng hàng không quốc doanh thưởng 8 tháng lương cho nhân viên và lời tuyên bố ‘Không có lợi nhuận thì dẹp đi’ từ Cố thủ tướng Lý Quang Diệu
"Tôi dựng nên Singapore Airlines là để có lợi nhuận. Nếu không làm được điều đó thì tôi sẽ đóng cửa hãng bay", Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tuyên bố đanh thép.
Mới đây, việc hãng hàng không quốc doanh Singapore Airlines (SIA) thưởng 8 tháng lương cho nhân viên sau khi lãi kỷ lục 2 tỷ USD đã làm xôn xao những người trong ngành.
Tuy nhiên ít ai biết đường rằng SIA chỉ là một hãng bay nhỏ bé với vô vàn khó khăn khi mới xây dựng. Thậm chí vào năm 1980, hãng hàng không quốc doanh nổi tiếng này từng lâm vào khủng hoảng và cần đến sự can thiệp của Thủ tướng Singapore lúc đó là ông Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew).
Tuy nhiên với tầm nhìn chính xác của các nhà hoạch định chính sách, SIA đã vươn mình lên thành một trong những hãng hàng không tốt nhất thế giới và đặc biệt là CÓ LỢI NHUẬN.
Không có lợi nhuận thì dẹp đi!
Theo SCMP, hãng hàng không quốc doanh Singapore Airlines ban đầu gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng. Họ không có kinh nghiệm triển khai dịch vụ hàng không cả trong nước lẫn nội địa, thiếu vốn và cơ sở vật chất. Chỉ một số ít giám đốc SIA là có chút kinh nghiệm về hoạt động hàng không trong khu vực chứ chưa nói đến quốc tế.
Tiếp đó, SIA cũng chẳng có thị trường nội địa vì Singapore vào thập niên 1970 vẫn chỉ là một vùng đất nhỏ chưa được biết đến. Điều này khiến SIA không có nhiều lợi thế khi đàm phán với những thị trường khác trong hoạt động hàng không. Nếu không thỏa thuận được các tuyến đường bay thì SIA chỉ là chiếc vỏ rỗng với những máy bay trống không.
Tồi tệ hơn, SIA lúc này chẳng có nhiều máy bay để cạnh tranh với đối thủ lúc đó là hãng hàng không quốc doanh Malaysia (MAS).
Bất chấp những điều đó, chính phủ Singapore không viện trợ nhiều tài chính cho SIA để mua thêm máy bay cạnh tranh với đối thủ. Quan điểm của các nhà lãnh đạo đất nước khi đó rất rõ ràng, nền kinh tế Singapore còn đang khó khăn và ban giám đốc SIA phải tự thân vận động, còn không làm được thì "dẹp đi".
"Tôi dựng nên Singapore Airlines là để có lợi nhuận. Nếu không làm được điều đó thì tôi sẽ đóng cửa hãng bay", Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi đó đã tuyên bố đanh thép với giám đốc đầu tiên của SIA là ông Lim Chin Beng.
Trước tình hình này, ban lãnh đạo SIA đã phải tập trung nghiên cứu và đề ra 3 bước đầu tiên nhằm phát triển hãng hàng không quốc doanh của Singapore mà không có viện trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Đó là phát triển dịch vụ hàng không đẳng cấp quốc tế chứ không giới hạn với thị trường nội địa quá nhỏ bé, tiếp đó là tăng hiệu suất kinh doanh và cuối cùng là mở rộng thương hiệu SIA ra toàn cầu.
Để làm được điều đó, trước tiên SIA đã phải nhờ chính phủ đứng ra bảo lãnh để vay vốn từ ngân hàng Exim Bank với số tiền 70 triệu USD mua chiếc Boeing 747 đầu tiên. Số tiền này rất lớn nhưng ban lãnh đạo SIA đã nghiên cứu rất kỹ trước khi ra quyết định này. Nói cho cùng để phát triển dịch vụ hàng không quốc tế thì cần một chiếc máy bay chất lượng cũng phải "quốc tế".
Tiếp đó, SIA quyết định không tham gia Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vì những tiêu chuẩn của tổ chức này đang ngáng đường phát triển chất lượng dịch vụ hàng không của Singapore.
Ví dụ IATA yêu cầu các hãng hàng không thu tiền phí đồ uống và mượn tai nghe trên máy bay, nhưng SIA là doanh nghiệp mới nên họ chẳng muốn làm điều này.
"Vậy là chúng tôi quyết định không gia nhập IATA để có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn, ví dụ như phát đồ uống và cho mượn tai nghe miễn phí", Chủ tịch SIA lúc đó là ông J.Y.Pillay cho biết.
Singapore Airlines những ngày đầu hoạt động
Tất nhiên, sự cứng đầu của SIA cũng gặp nhiều thách thức. Vì không được IATA bảo vệ nên mức giá rẻ của SIA lúc đó đã khiến nhiều nước có động thái chèn ép.
Ví dụ Đức đã cáo buộc SIA bán phá giá thị trường vé máy bay quốc tế và tiến hành điều tra. Phía Hà Lan thì thậm chí chặn hành khách lên máy bay của SIA để điều tra giá vé họ mua và chặn bất cứ ai giao dịch dưới mức giá quy định được phép lên khoang.
Năm 1978, Australia thậm chí giới hạn hoạt động của SIA nhằm bảo vệ ngành hàng không trong nước.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng nặng nhất có lẽ là vào năm 1980 khi Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu phải đích thân vào cuộc.
Bước ngoặt
Năm 1980 là một năm đầy bất ổn cho SIA khi lợi nhuận sụt giảm trước sức ép từ Australia, trong khi nhiều nhân viên, phi công của công đoàn ngành hàng không Singapore cũng biểu tình đòi tăng lương.
Cụ thể, Hiệp hội phi công hàng không Singapore (SIAPA) đã đòi SIA phải tăng 30% lương và cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên. Để đạt được điều này, phía SIAPA đã phát động một chiến dịch "Làm việc ở mức tối thiểu", nghĩa là chỉ làm vừa đủ mức tối thiểu của một phi công trong hợp đồng thay vì làm thêm để gia tăng thu nhập như thông thường.
Tuy nhiên chiến dịch này sẽ làm giảm đáng kể hiệu suất và lợi nhuận của SIA khi thiếu phi công và không thể vận hành các chuyến bay như bình thường.
Điển hình nhất là vụ việc 3 phi công của SIA cùng toàn thể đội kỹ thuật trong chuyến bay Dubai đến London đã đình công khi quá cảnh ở Zurich ngày 16/11/1980. Nhóm này từ chối làm việc ngoài 12 tiếng như đã ký trong hợp đồng dù chuyến bay chưa hoàn tất.
Vụ việc này không chỉ khiến SIA thiệt hại về lợi nhuận, bị khách hàng kiện cáo mà còn làm mất hình ảnh của toàn thể Singapore trước cộng đồng quốc tế.
Ngày 1/12/1980, các lãnh đạo của SIAPA đã được triệu tập đến văn phòng Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc đó để gặp mặt trực tiếp và kết quả là cuộc đình công chấm dứt sau đó.
"Tôi gặp mặt trực tiếp các phi công của SIA chứ không phải qua tivi, ngồi đối mặt cách nhau 5m để cho họ thấy liệu tôi có đủ sức giải quyết vấn đề này không...
Tôi đưa ra cho họ 2 sự lựa chọn.
Đầu tiên là dừng sự đe dọa này lại vì nó đang khiến SIA tiến đến bờ vực sụp đổ, phá hoại dịch vụ hàng không và tổn hại thương hiệu doanh nghiệp.
Hàng triệu USD quảng cáo và doanh số bán hàng đã bị thiệt hại chỉ trong 2 tuần đình công.
Lựa chọn thứ 2 là tiếp tục đình công và tôi sẽ bằng mọi cách, cùng người dân Singapore dạy cho họ một bài học mà họ sẽ không bao giờ quên.
Tôi sẵn sàng bắt đầu lại mọi thứ từ đầu, hoặc là họ có thể dừng lại ngay bây giờ, quay trở lại làm việc, khôi phục lại kỷ luật và sau đó chúng ta sẽ bàn bạc về các điều kiện của công đoàn.
Họ mất 65 phút để đi đến quyết định đồng ý.
Vì sao ư? Vì họ biết mình sẽ thua.
Họ biết rằng tôi sẵn sàng đóng cửa SIA. Họ biết rằng tôi có thể đưa hãng hàng không này hoạt động trở lại mà không cần đến họ.
Hãy ghi nhớ rằng bất cứ ai lãnh đạo Singapore thì đều phải có chất thép trong mình, bằng không thì từ bỏ đi. Đây không phải ván bài chính trị để trao đổi lợi ích. Đây là cuộc sống của bạn và tôi. Tôi đã dành cả đời để xây dựng nên mọi thứ và chừng nào tôi còn nắm quyền thì sẽ không có ai phá bỏ nó được", Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố đanh thép.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nói về vụ việc năm 1980.
Nhờ những tầm nhìn chính xác và "chất thép" của các nhà hoạch định chính sách mà SIA giờ đây trở thành một trong những hàng hàng không quốc doanh tốt nhất thế giới.
Theo công bố của SIA trong năm tài chính 2023 - 2024, hãng bay này ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 2,68 tỷ SGD (1,99 tỷ USD), tăng 24% so với 2,16 tỷ SGD trong năm tài chính 2022 - 2023.
Tháng 6 năm 2023, SIA được vinh danh là "Hãng hàng không tốt nhất thế giới" trong "Giải thưởng Hãng hàng không thế giới Skytrax 2023", đánh dấu lần thứ 5 hãng đã giành được giải thưởng danh giá này.
Năm 2024, Singapore Airlines một lần nữa có tên trong danh sách 50 công ty những công ty được ngưỡng mộ nhất trên thế giới và là thương hiệu có trụ sở tại Singapore duy nhất trong danh sách.
*Nguồn: Tổng hợp