Bán 15% vốn cho SMBC, VPBank thu về 1,5 tỷ USD

Thương vụ bán 15% vốn cho SMBC đưa vốn chủ sở hữu của VPBank lên cao thứ 2 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

ban-15-von-cho-smbc-vpbank-thu-ve-15-ty-usd-antt-1679926856.JPG
Sau thương vụ này, SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Ngày 27/3, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB) đã ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG) thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. 

Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Khoản đầu tư sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng (tương ứng 1,5 tỷ USD) vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng.

VP Bank cho biết đây cũng là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được ngân hàng này thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn.

Trước đó, tháng 5/2022, hai bên cũng đã ký thoả thuận hợp tác kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (công ty con của SMFG) cũng mua lại 49% vốn cổ phần tại Fe Credit - công ty con của VPBank. 

Sau hai khoản đầu tư lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay (27/3), mã VPB gần như xanh sàn từ sáng đến chiều. Tuy vậy, mã cổ phiếu này chủ yếu tạo biên đi ngang trên ngưỡng 21.000 đồng.

Chốt phiên, mã VPB tăng 0,47%, từ 21.150 đồng lên 21.250 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt 29,3 triệu cổ phiếu với giá trị gần 624 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của VPBank, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt 103.000 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn ngành ngân hàng. 

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng riêng lẻ VPBank đạt 31%. Lợi nhuận tăng 47,7%, đạt 21.219 tỷ đồng, lọt Top 5 ngân hàng có lãi cao nhất trong toàn hệ thống.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT