Bán Apple là pha chốt lời thành công nhất của Warren Buffett: Kiếm 189 tỷ USD trong 7 năm, thương vụ ‘đỉnh’ nhất sự nghiệp của nhà đầu tư ghét cổ phiếu công nghệ

Warren Buffett đã thất bại với thương vụ IBM và ông bị nghi ngờ rất nhiều khi mua vào Apple năm 2016 với mức giá khá cao. Thế nhưng pha chốt lời ngay trên đỉnh sóng của Berkshire Hathaway đã làm câm nín mọi sự nghi ngờ.

Bán Apple là pha chốt lời thành công nhất của Warren Buffett: Kiếm 189 tỷ USD trong 7 năm, thương vụ ‘đỉnh’ nhất sự nghiệp của nhà đầu tư ghét cổ phiếu công nghệ- Ảnh 1.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett là người nổi tiếng không ưa các cổ phiếu công nghệ, tuy nhiên động thái chốt lời một nửa mã Apple mới đây của Berkshire Hathaway lại được đánh giá là một trong những pha "chốt lời" thành công nhất của tỷ phú này.

Cụ thể trong 2 quý vừa qua, Berkshire đã bán ròng 510 triệu cổ phiếu Apple, tương đương 56% tổng số cổ phần đã nắm giữ trước đó để thu về 189 tỷ USD.

Đánh giá về thương vụ này, tờ Fortune nhận định đây là một trong những pha chốt lời thành công nhất của Buffett khi Berkshire thu về lượng lợi nhuận khổng lồ chỉ trong 7 năm chờ đợi.

Xin được nhắc rằng khi Buffett mua cổ phiếu Apple, nhiều người đã cười chê vị tỷ phú này đi ngược lại quan điểm chê ngành công nghệ, đồng thời nhận định Berkshire đang mạo hiểm do vào năm 2016, mức giá của hãng sản xuất iPhone đã lên khá cao. Tỷ lệ P/E vào lúc Buffett mua Apple là 32 lần.

Bất chấp những lời đàm tiếu đó, Buffett vẫn kiên trì thực hiện giao dịch và bán ra ngay trước khi thị trường chứng khoán biến động vào tuần trước, qua đó tạo nên một pha chốt lời đúng thời điểm.

Bán Apple là pha chốt lời thành công nhất của Warren Buffett: Kiếm 189 tỷ USD trong 7 năm, thương vụ ‘đỉnh’ nhất sự nghiệp của nhà đầu tư ghét cổ phiếu công nghệ- Ảnh 2.

Mặc dù bán phần lớn cổ phiếu Apple nhưng mã này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của Berkshire. Thậm chí chính Buffett đã thừa nhận rằng dù Coca Cola, American Express, vốn là những mã cổ phiếu mà hãng đầu tư, là các doanh nghiệp tốt nhưng Apple thậm chí là một mã "tốt hơn".

Bài học cay đắng

Quay ngược lại năm 1999, Warren Buffett đã có bài viết gây chấn động thị trường khi giải thích lý do mình không đầu tư vào ngành công nghệ.

Đầu tiên là "tuổi thọ" và sức bảo vệ lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghệ khá hạn chế mà ví dụ lớn nhất là Microsoft. Sự độc quyền của hãng thập niên 1990 không giúp ích được gì nhiều khi bước sang thập niên 2000, thậm chí trở thành đích ngắm chỉ trích của xã hội và chính phủ.

Tiếp đó, Buffett cũng cho biết rất khó để nhận diện những tên tuổi có thể bật lên với sản phẩm của mình cũng như khả năng mua được chúng với giá hợp lý.

"Chìa khóa để đầu tư không phải là ngành công nghiệp ảnh hưởng lớn đến xã hội như thế nào hay nó sẽ tăng trưởng ra sao mà là việc xác định lợi thế cạnh tranh của một công ty bất kỳ, trên hết là sự bền vững của lợi thế này", Warren Buffett nhận định về việc dù có biết trước xu thế ngành thì cũng rất khó đặt cược chính xác vào doanh nghiệp nào.

Nói một cách đơn giản hơn, Buffett cho rằng ngành công nghệ biến động quá đột ngột và không thích hợp chiến lược đầu tư dài hạn của bản thân.

Tuy nhiên quan điểm này đã bất ngờ bị thay đổi vào năm 2011 khi Berkshire mua vào cổ phiếu IBM khi hàng này có thị phần khá vững chắc.

Trớ trêu thay đây lại là một thương vụ thất bại của Buffett khi IBM đánh mất thị phần vào tay đối thủ khiến cổ phiếu giảm đến 30% so với lúc Berkshire mua vào, khiến hãng buộc phải cắt lỗ để chuyển sang đầu tư cho Apple.

Bán Apple là pha chốt lời thành công nhất của Warren Buffett: Kiếm 189 tỷ USD trong 7 năm, thương vụ ‘đỉnh’ nhất sự nghiệp của nhà đầu tư ghét cổ phiếu công nghệ- Ảnh 3.

Đây chính là nguyên nhân khiến Buffett bị nghi ngờ khá nhiều vào năm 2016 khi Berkshire mới thất bại trong thương vụ IBM. Trong khi đó, giá Apple lại đang khá cao.

Thậm chí bản thân thương vụ mua lại Apple cũng chủ yếu được chỉ đạo bởi 2 giám đốc đầu tư là Todd Combs và Ted Weschler chứ không phải Buffett.

Nhiều người khi đó đã cho rằng Buffett bỏ lỡ thời cơ vì đứng ngoài làn sóng bùng nổ công nghệ thập niên 2000 với những cái tên như Amazon, Facebook, Apple và thậm chí là Microsoft.

Xin được nhắc rằng nhà sáng lập Bill Gates của Microsoft là bạn thân của Warren Buffett, nhưng người bạn thân này lại chẳng hề mua cổ phiếu nào của Microsoft.

"Warren Buffett chỉ là một ông già suốt ngày chê bai về công nghệ mà chẳng hiểu tý gì về nó", nhà đầu tư Marc Andreessen đã từng tạo ra cơn bão tranh luận khi chỉ trích thẳng Buffett trên Twitter.

Tuy nhiên với pha chốt lời thành công ngay trên đỉnh sóng của thị trường chứng khoán mới đây thì Warren Buffett lại một lần nữa chứng minh quyết định của mình là chính xác.

*Nguồn: Fortune

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT