Bạn biết gì về Savvy Explorers? Đối tượng du lịch mới nổi, sẵn sàng bớt uống cafe và shopping để đi du lịch
Savvy Explorers - những nhà khám phá thông thái - là một nhóm Gen Z và Millenials yêu thích du lịch, luôn tìm cách tối đa hóa từng đồng du lịch và tối ưu trải nghiệm. Đây là từ dùng trong khảo sát của Marriott Bonvoy năm nay – năm đầu tiên Việt Nam được đưa vào danh sách thị trường khảo sát.
Cuộc khảo sát của Marriott Bonvoy - chương trình du lịch đạt giải thưởng của Marriott International - mới đây xác định được một tệp du khách tiên tiến mới tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), được gọi tên là "Savvy Explorers" - Những du khách yêu khám phá thông thái.
Theo Marriott Bonvoy, Savvy Explorers là nhóm những người tập trung vào các giá trị du lịch thực thụ, luôn tìm cách tối đa hóa số tiền chi khi du lịch và tối ưu trải nghiệm du lịch của bản thân.
Kết quả khảo sát với 1.000 người tham gia trên 10 thị trường khác nhau thuộc khu vực APEC cho thấy: Du lịch vào năm 2024 là ưu tiên hàng đầu của Gen Z và Millennials.
Theo đó, 73% có ý định thực hiện ít nhất hai chuyến đi trong 12 tháng tới và 91% dự định chi tiêu tương tự, thậm chí nhiều hơn, cho các chuyến đi của họ so với năm trước.
Du lịch được coi là một phần thiết yếu trong lối sống và hầu hết đều sẵn sàng giảm chi tiêu hàng ngày như việc giảm chi tiêu cho các bữa ăn bên ngoài (60%), mua sắm thoải mái (57%) và cà phê hàng ngày (54%) để có thể chi tiêu nhiều hơn cho kỳ nghỉ.
Xếp hạng các nhóm du khách từ bỏ việc đi ăn ngoài để dành chi phí cho những chuyến du lịch lần lượt thuộc về du khách Úc (76%), Nhật Bản (74%) và Indonesia (68%). Mặc dù sinh sống tại các quốc gia có sự nổi tiếng và đa dạng về ẩm thực, nhưng đa số du khách nói trên muốn giảm việc đi ăn ngoài để tiết kiệm chi phí cho các hành trình du lịch hơn là phải từ bỏ những thú vui xa xỉ hàng ngày khác trong nhiều tháng.
Mặc dù vẫn mong muốn tối đa hóa ngân sách du lịch nếu có thể, nhưng khách sạn được cho là một trong những yếu tố quan trọng và thiết yếu mà thế hệ Z và Millennials trong khu vực APEC sẵn sàng đầu tư thêm tiền du lịch.
Động lực hàng đầu để du khách thế hệ mới chi tiêu cho mỗi chuyến du lịch lần lượt bao gồm dịch vụ phòng của khách sạn (chiếm 48%) và vị trí của khách sạn (chiếm 42%). Mặc dù tiện nghi vẫn là những mối quan tâm chính nhưng những vị khách này đánh giá cao trải nghiệm du lịch liền mạch, với dịch vụ khách hàng ưu tiên trên thiết bị di động (61%), Wifi đáng tin cậy (68%) và khả năng trả phòng linh hoạt (64%) vượt xa các lợi ích truyền thống như quyền sử dụng phòng chờ (42%).
Cũng theo khảo sát, những người sáng suốt nhất khi lựa chọn khách sạn là thế hệ Z và Millennials của Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, với con số áp đảo đến 90% cho biết họ yêu thích các chương trình du lịch và thiết kế riêng tại khách sạn phản ánh đặc trưng của điểm đến địa phương và/hoặc thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, động lực hàng đầu để chi tiêu vào du lịch đối với Gen Z và Millennials của Úc, Indonesia và Singapore là các yếu tố chất lượng như danh tiếng và vị trí của khách sạn. Ngược lại, du khách Nhật Bản và Việt Nam chú trọng nhiều hơn đến những trải nghiệm như ăn uống tại khách sạn (Nhật Bản: 59%, Việt Nam: 47%), trong khi người Thái ưu tiên tính thẩm mỹ của khách sạn (41%)
Marriott Bonvoy cũng xếp top các quốc gia hàng đầu về kinh doanh du lịch bao gồm Việt Nam (85%), Ấn Độ (81%) và Indonesia (78%). Hơn 80% cho biết họ có khả năng kéo dài chuyến công tác để nghỉ dưỡng (Việt Nam: 82%, Ấn Độ: 83%, Indonesia: 80%).
Đây là năm đầu tiên Việt Nam được đưa vào khảo sát của Marriott Bonvoy. Lý giải điều này, ông John Toomey, Giám đốc Tiếp thị và Bán hàng khu vực APEC (Không bao gồm Trung Quốc) của Marriott International cho biết: "Việt Nam là thị trường cực kỳ quan trọng với chúng tôi và thực sự bùng nổ với số lượng khách sạn và resort mà chúng tôi ký kết với Sungroup và Vinpearl trong vài năm trở lại đây".
"Tôi nhớ thời điểm mà chúng tôi mới có một khách sạn ở TPHCM, một khách sạn JW Marriott ở Hà Nội, một ở Phú Quốc, và giờ bùng nổ khắp cả nước với nhiều điểm đến khác nhau".
Giám đốc Tiếp thị và Bán hàng khu vực APEC của Marriott International cũng nhìn nhận Việt Nam không chỉ là thị trường quan trọng với những đơn vị đang kinh doanh khách sạn tại Việt Nam, mà quan trọng cả với các khách sạn ngoài Việt Nam, trong bối cảnh người Việt đi du lịch nước ngoài khá nhiều.
Đây là lý do Marriott International ra mắt website đặt phòng bằng tiếng Việt. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong 3 thị trường có website đặt phòng tiếng địa phương, bên cạnh Thái Lan và Indonesia.