Ban lãnh đạo FPT dự kiến nhận được bao nhiêu tiền cổ tức năm 2022?
Ngày 6/7 tới đây, FPT sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền và cổ phiếu. Với việc sở hữu lượng lớn cổ phiếu, các lãnh đạo FPT sẽ nhận hàng chục tỷ đồng từ đợt trả cổ tức lần này.
Công ty Cổ phần FPT (MCK: FPT, sàn HoSE) vừa đưa ra thông báo ngày 6/7 tới sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022.
Cụ thể, FPT sẽ trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.
Với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, dự kiến công ty sẽ phải chi khoảng 1.104 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 13/7.
Đồng thời, FPT cũng dự kiến phát hành gần 165,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỉ lệ 20:3, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty mẹ và lợi nhuận chưa phân phối đã điều chuyển từ công ty con về công ty mẹ trong quý I/2023.
Như vậy, các lãnh đạo FPT sẽ nhận hàng chục tỷ đồng từ đợt trả cổ tức lần này. Cụ thể, Chủ tịch Trương Gia Bình sở hữu 77 triệu cổ phiếu FPT, dự kiến sẽ nhận 77 tỷ đồng. Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc nhận 22 tỷ đồng, Thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo nhận 12 tỷ đồng.
Cùng với đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa sẽ nhận 3 tỷ đồng, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Việt Anh 2,5 tỷ đồng, Giám đốc tài chính Nguyễn Thế Phương nhận 3,6 tỷ đồng.
Trước đó, hồi giữa tháng 9/2022, FPT đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%.
Được biết, số cổ phiếu đang lưu hành của FPT mới thay đổi từ ngày 31/5 vừa qua, sau khi tăng thêm hơn 7,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
Trong đó, hơn 5,485 triệu cổ phiếu phát hành cho cán bộ nhân viên có thành tích đóng góp tích cực trong năm 2022 bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (từ ngày 8/5/2023 đến hết ngày 7/5/2026) và 1,82 triệu cổ phiếu phát hành cho cán bộ lãnh đạo cấp cao năm 2023 bị hạn chế chuyển nhượng 10 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (từ ngày 8/5/2023 đến hết ngày 7/5/2033).
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 5 tháng đầu năm, FPT đạt 19.943 tỷ đồng doanh thu và 3.610 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 23% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khấu trừ đi các chi phí, FPT thu về 3.064 tỷ đồng lãi sau thuế, như vậy trung bình mỗi tháng tập đoàn thu về gần 613 tỷ đồng tiền lãi. Trong đó, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 20% lên mức 2.518 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) tăng 19% lên 2.293 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu, khối công nghệ vẫn giữ vai trò chủ lực khi ghi nhận 11.631 tỷ đồng doanh thu và 1.571 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ.
Đối với khối dịch vụ viễn thông, FPT ghi nhận tăng trưởng 7% lên 6.379 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng gần 6% lên 1.247 tỷ đồng.
Cuối cùng, mảng giáo dục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lên đến 66%, đạt 1.933 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 792 tỷ đồng.
Trong năm 2023, FPT lên kế hoạch tăng trưởng 18% với mục tiêu đem về 52.289 tỷ đồng doanh thu và 9.055 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với kết quả đạt được sau 5 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 38% kế hoạch doanh thu và 40% lợi nhuận cả năm.