Bán mạnh cổ phần trong ngân hàng lớn thứ 2 nước Mỹ, Warren Buffett đang 'đặt niềm tin' vào một cổ phiếu tăng giá 33.000%
Sau Bank of America, việc tìm kiếm cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính là "thách thức" với Warren Buffett, ngoại trừ một trường hợp đó là hãng bảo hiểm Chubb.
Có thể nói, không một nhà quản lý tài sản nào trên Phố Wall có khả năng thu hút sự chú ý của thị trường như Warren Buffett. Dù nhiều nhà quản lý tài sản khác ghi nhận thành tích vượt trội hơn lợi nhuận hàng năm của danh mục mà Buffett quản lý, nhưng mức lợi nhuận hơn 5.500.000% với cổ phiếu Berkshire Hathaway hạng A từ giữa những năm 1960 đã lý giải cho sự hấp dẫn đó.
Dựa theo các hồ sơ nộp lên Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), nhà đầu tư đều biết rằng Buffett và các cộng sự của ông đã bán ròng cổ phiếu trong 2 năm qua. Động thái này trở nên công khai hơn đối với các khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Berkshire, trong đó có Bank of America.
Kể từ ngày 17/7, tập đoàn của Buffett đã tiết lộ 16 hồ sơ nộp theo Form 4 liên quan đến Bank of America. Trong suốt thời gian đó, vị tỷ phú đã giám sát việc bán 266.546.544 cổ phiếu BofA, tương đương với khoảng 26% cổ phần mà Berkshire nắm giữ, tính đến cuối tháng 6.
Trong một số ít trường hợp, Buffett sẽ yêu cầu xử lý bí mật đối với một hoặc nhiều giao dịch chứng khoán, điều này khiến những giao dịch này không được công khai trong hồ sơ 13F hàng quý của Berkshire Hathaway. Khi các nhà đầu tư phát hiện ra cổ phiếu nào mà Buffett và các cộng sự của ông đã mua, không có gì lạ khi họ đổ xô đến và đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Câu hỏi quan trọng nhất là, tại sao Warren Buffett lại bán hơn 10 tỷ USD cổ phiếu ngân hàng mà ông yêu thích.
Một số chuyên gia lý giải rằng, việc Buffett bán ròng cổ phiếu BofA có thể là do vấn đề về thuế. Trong cuộc họp cổ đông thường nên của Berkshire vào tháng 5, Buffett cho biết thuế doanh nghiệp sẽ tăng lên trong những năm tới. Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư lo ngại là lý do bán mạnh cổ phiếu BofA của Buffett không chỉ liên quan đến thuế.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong thời kỳ định giá cao chưa từng có. Vào ngày 25/10, tỷ số CAPE (được tính bằng cách lấy chỉ số S&P 500 chia cho lợi tức trung bình trong 10 năm) là khoảng 37, cao hơn gấp đôi mức trung bình là 17,17 kể từ tháng 1/1871. Đây cũng là mức cao thức 3 trong thời kỳ thị trường tăng giá liên tục trong hơn 150 năm. Định giá thị trường không rẻ, nên điều này có thể đã khuyến khích Buffett và các cộng sự cắt giảm một số khoản đầu tư lớn để huy động tiền mặt.
Trong khi đó, cổ phiếu BofA không còn là khoản đầu tư "giá trị". Khi Buffett lần đầu tiên rót 5 tỷ USD vào ngân hàng này hồi tháng 8/2011 thông qua cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu BofA được định giá ở mức chiết khấu 62% so với giá trị sổ sách. Hiện tại, cổ phiếu BofA giao dịch ở mức cao hơn 18% so với giá trị sổ sách.
Ngoài ra, BofA cũng là ngân hàng có hoạt động nhạy cảm với lãi suất nhất trong số các ngân hàng lớn ở Mỹ. Chu kỳ tăng lãi suất mạnh của Fed từ đầu những năm 1980 đã giúp lãi ròng của BofA tăng hàng tỷ USD mỗi quý. Tuy nhiên, khi Fed bắt đầu nới lỏng, Buffett và các cộng sự có thể dự đoán lợi nhuận của ngân hàng này sẽ giảm.
Việc tìm kiếm cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính là "thách thức" với Buffett, ngoại trừ một trường hợp đó là hãng bảo hiểm Chubb. Kể từ khi Chubb niêm yết vào năm 1984, cổ phiếu của công ty đã tăng vọt 33.000%, bao gồm cả cổ tức.
Yếu tố giúp các công ty bảo hiểm như Chubb trở nên hấp dẫn là khả năng dự đoán dòng tiền và sức mạnh định giá phí bảo hiểm của họ. Tổn thất do thảm họa và các sự kiện bất lợi là điều không thể tránh khỏi, điều này giúp các công ty bảo hiểm có khả năng tăng phí bảo hiểm sau những sự kiện như vậy, cũng như trong giai đoạn yêu cầu bồi thường thấp hơn dự kiến.
Ngoài ra, một số sản phẩm bảo hiểm của Chubb cũng hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập cao. Ví dụ, các giải pháp bảo hiểm nhà ở của công ty tập trung chủ yếu vào những ngôi nhà có giá trị cao. Ưu điểm của việc nhắm mục tiêu vào nhóm khách hàng này là thói quen chi tiêu của họ nhìn chung không thay đổi ngay cả trong thời kỳ suy thoái.
Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao cũng giúp Chubb hưởng lợi. Các công ty bảo hiểm hầu như luôn đầu tư khoản tiền nhàn rỗi vào các trái phiếu kho bạc ngắn hạn - loại tài sản cực kỳ an toàn. Ngay cả khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn vẫn cao hơn đáng kể so với 3 năm trước. Nhờ đó, lãi ròng của Chubb sẽ tăng lên.
Nhờ chính những yếu tố đó, Warren Buffett là cực kỳ ưa thích lĩnh vực bảo hiểm. Vào tháng 5, hội đồng quản trị của Chubb đã tăng mức chi trả cổ tức của công ty trong năm thứ 31 liên tiếp. Hơn nữa, Chubb đã liên tục mua lại cổ phiếu phổ thông của mình kể từ đầu năm 2017, điều này đã làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty xuống 13,6%. Việc chi hàng tỷ đô la cho việc mua lại đang giúp tăng EPS của công ty và cổ phần sở hữu của các cổ đông hiện tại, như Berkshire Hathaway.
An Chi (Theo The Motley Fool)