Bản tin kinh tế ngày 11/10/2024

Vingroup bảo lãnh tối đa 6.500 tỷ đồng cho trái phiếu Vinfast;Eximbank nâng vốn lên gần 18.700 tỷ đồng;... là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Vingroup bảo lãnh tối đa 6.500 tỷ đồng cho trái phiếu Vinfast

Bản tin kinh tế ngày 11/10/2024- Ảnh 1.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Tập đoàn Vingroup-CTCP vừa có văn bản công bố thông tin liên quan đến việc cấp bảo lãnh cho Công ty CP Sản xuất và kinh doanh Vinfast- công ty con của Vingroup.

Theo đó, ngày 8/10/2024, HĐQT Vingroup đã ban hành Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐQT-VINGROUP, phê duyệt việc tập đoàn cấp bảo lãnh thanh toán và sử dụng tài sản thuộc sở hữu của tập đoàn để bảo đảm cho các trái phiếu doanh nghiệp do Vinfast phát hành riêng lẻ trong năm 2024 với tổng mệnh giá tối đa không quá 6.500 tỷ đồng.

HĐQT Vingroup cũng giao Tổng Giám đốc hoặc người được Tổng giám đốc ủy quyền căn cứ tình hình thực tế quyết định chi tiết nội dung bảo lãnh, số lượng tài sản bảo đảm tương ứng với mỗi gói trái phiếu mà Vinfast phát hành và ký kết, thực hiện các hợp đồng/thỏa thuận liên quan theo phê duyệt của HĐQT, phù hợp quy định của pháp luật.

Về các lô trái phiếu của Vinfast, theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trước đó, doanh nghiệp này đã thành công phát hành lô trái phiếu VIFCB2325003 với giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng. Ngày phát hành là 31/7/2023, ngày hoàn tất là 29/8/2023. Lô trái phiếu có kỳ hạn 20 tháng, đáo hạn ngày 31/3/2025.

Các thông tin khác về tổ chức lưu ký, mục đích phát hành,... không được công bố. Tuy nhiên, theo thông tin trên HNX, lô trái phiếu của Vinfast có lãi suất lên tới 14,5%/năm, ở mức cao so với mặt bằng chung từ 9-11%/năm.

Xa hơn nữa, Vinfast đã phát hành thành công 15.000 trái phiếu mã VIFCB2325002 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 20 tháng; ngày phát hành là 31/7/2023, ngày hoàn tất là 15/8/2023. Các thông tin về mục đích, nội dung,...phát hành lô trái phiếu cũng không được công bố. Theo dữ liệu trên HNX, lô trái phiếu này của Vinfast cũng có lãi suất 14,5%/năm.

Đáng chú ý, ngày 15/8/2023 cũng là ngày VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - Nasdaq Global Select Market và trở thành thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa ấn tượng.

Nam A Bank tăng vốn điều lệ lên gần 13.800 tỷ đồng

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank, MCK: NAB) vừa có công bố thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.

Cụ thể, Nam A Bank hoàn thành phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động của ngân hàng vào ngày 2/10/2024. Lượng cổ phiếu này đã được phân hết cho 1.351 sau 2 đợt phát hành. Qua đó, vốn điều lệ của Nam A Bank tăng thêm 500 tỷ, lên mức gần 13.800 tỷ đồng.

Sau khi Ngân hàng Nam Á kết thúc đợt phát hành và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kết quả quả phát hành bằng văn bản, số tiền người lao động nộp thừa, nộp không đúng thời hạn và các trường hợp khác được hoàn trả cho người lao động theo quy định.

Trong diễn biến khác, ngày 12/8 vừa qua, Nam A Bank đã phát hành thành công 5.000 trái phiếu mã NABL2427005 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Tương ứng, tổng giá trị phát hành là 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 12/8/2027.

Lô trái phiếu này có lãi suất 5,8%/năm. Đây là lô trái phiếu thứ 5 được Nam A Bank phát hành kể từ đầu năm tới nay (theo công bố trên HNX). Tổng số tiền mà ngân hàng này huy động thành công từ trái phiếu từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại là 2.960 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2024, Nam A Bank báo lãi sau thuế gần 1.770 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ 2023.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô hơn 228.916 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng ghi nhận hơn 156.571 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Eximbank nâng vốn lên gần 18.700 tỷ đồng, chốt ngày họp ĐHĐCĐ

Bản tin kinh tế ngày 11/10/2024- Ảnh 2.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, MCK: EIB, sàn HoSE) vừa có thông báo về việc thay đổi đăng ký niêm yết.

Cụ thể, từ ngày 11/10/2024, số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết của Eximbank là 1.868,8 triệu cổ phiếu, tăng hơn 121,85 triệu cổ phiếu so với trước đó.

Lý do thay đổi niêm yết là do doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023. Sau khi hoàn tất đợt thanh toán cổ tức năm 2023, Eximbank đã nâng vốn điều lệ từ 17.469 tỷ đồng lên 18.688 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 4/10 vừa qua, ngân hàng này cũng tiến hành thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ 3% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 300 đồng).

Trong một diễn biến khác, Eximbank mới đây đã thông báo triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến diễn ra vào ngày 28/11 tới đây tại Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng để các cổ đông có quyền tham dự và biểu quyết là 29/10.

Eximbank chưa công bố địa điểm họp cụ thể và sẽ thông báo địa điểm cho cổ đông trong thư mời. Tuy nhiên, nội dung chính của Đại hội là xem xét việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng và nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ (nếu có).

Việc bàn và thông qua nội dung thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank diễn ra trong bối cảnh nhóm cổ đông mới vừa xuất hiện và lộ diện tại Eximbank.

Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tính đến ngày 1/7/2024, CTCP Tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất, nắm 85,5 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 4,9% vốn điều lệ. Hai cổ đông tổ chức khác là CTCP Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phương lần lượt nắm 62,3 triệu cổ phiếu (3,58%) và 53,4 triệu cổ phiếu (3,07%).

Về cổ đông cá nhân, bà Lê Thị Mai Loan nắm giữ 17,9 triệu cổ phiếu (1,03%); bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu 19,5 triệu cổ phiếu (1,12%).

Cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á bị xem xét hủy niêm yết bắt buộc

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vừa có văn bản gửi đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (MCK: DAG) thông báo về việc sẽ xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DAG.

Theo đó, quyết định này của HoSE được căn cứ vào các quyết định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, đồng thời căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

HoSE cho rằng kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Nhựa Đông Á chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Được biết, cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á hiện đang trong diện cảnh báo theo quyết định ngày 14/09/2023 do nộp chậm Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Ngày 2/11/2023, cổ phiếu DAG vào diện kiểm soát do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán đưa chứng khoán vào diện cảnh báo.

Ngày 8/8/2024, cổ phiếu DAG tiếp tục vào diện cảnh báo theo 2 quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh do có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Nhựa Đông Á là âm gần 558,08 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 8/8/2024, cổ phiếu DAG bị đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Mới đây, ngày 4/10/2024 cổ phiếu DAG bị đưa vào diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay ngày 9/10/2024, Nhựa Đông Á vẫn chưa thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 theo quy định.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT