Bản tin kinh tế ngày 11/4/2025
Vingroup dự kiến chào bán 7.000 tỷ đồng trái phiếu; Cổ phiếu ORS vào diện cảnh báo; … là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 11/4/2025.
Vingroup dự kiến chào bán 7.000 tỷ đồng trái phiếu
Tập đoàn Vingroup - CTCP (MCK: VIC) vừa có văn bản công bố thông tin liên quan đến việc phát hành trái phiếu.
Theo đó, ngày 8/4/2025, HĐQT Vingroup ban hành Nghị quyết số 07/2025/NQ-HĐQT-VINGROUP và Nghị quyết số 08/2025/NQ-HĐQT-VINGROUP thông qua việc chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn tối đa 25 tháng và 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn tối đa 38 tháng kể từ ngày phát hành.

Nguồn: VIC
Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản thuộc sở hữu của tổ chức phát hành hoặc bên có liên quan của tổ chức phát hành.
Ngày phát hành là ngày được dự kiến trong Bản công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu và được xác định thực tế trên thông báo của tổ chức phát hành hoặc bản công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu.
Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật. Phương án sử dụng vốn là để cơ cấu các khoản nợ của tổ chức phát hành.
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh vừa có cuộc làm việc với Tập đoàn Vingroup về đề xuất dự án đầu tư và nghiên cứu, bổ sung các dự án vào điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tại buổi làm việc, đại diện Vingroup đề xuất được nghiên cứu, đầu tư dự án điện gió gần bờ tại huyện Duyên Hải với diện tích khảo sát trên 13.400 ha. Tổng công suất lắp đặt dự kiến 3.000 MW, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2025 – 2030) - công suất 1.500MW, giai đoạn 2 (2031 – 2035) - công suất 1.500MW. Sản lượng điện phát lên lưới dự kiến 9 tỷ kWh/năm. Tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD.
Phía Vingroup cho biết, trong quá trình xây dựng, dự án sẽ sử dụng khoảng 500 lao động địa phương. Sau khi hoàn thành, dự án mang lại nguồn thu khoảng 700 - 800 triệu USD/năm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, đại diện Vingroup cũng đề xuất tỉnh Trà Vinh có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung danh mục dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Tại buổi làm việc, các bên đã cùng thảo luận về tiềm năng, tính khả thi của dự án, vấn đề kết nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia…
Kết luận buổi làm việc, ông Ngô Chí Cường- Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, cho biết, tiềm năng phát triển điện gió tại địa phương rất lớn. Trà Vinh cũng được quy hoạch trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh ghi nhận đề xuất đầu tư của Vingroup, đồng thời, gợi ý Tập đoàn có thể tiến hành nghiên cứu, khảo sát thêm điện gió ngoài khơi, vì đây cũng là ngành còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ, phối hợp cùng Vingroup tiến hành khảo sát dự án và trình Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung dự án vào điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Cổ phiếu ORS của Chứng khoán Tiên Phong vào diện cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản 205/QĐ-SGDHCM quyết định về việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS, MCK: ORS, sàn HoSE) vào diện cảnh báo từ ngày 16/4/2025.
Nguyên nhân là do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, tổ chức kiểm toán có ý kiến rằng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của hơn 28 tỷ đồng khoản phải thu của Chứng khoán Tiên Phong. Các khoản phải thu này là phí dịch vụ liên quan đến các lô trái phiếu mà công ty đã tư vấn và làm đại lý.
Giải trình về ý kiến của kiểm toán, Chứng khoán Tiên Phong cho biết vẫn đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp liên quan để thu hồi công nợ nêu trên.
Trong một diễn biến khác, mới đây Chứng khoán Tiên Phong vừa công bố Nghị quyết về việc thay đổi nội dung triển khai tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Theo đó, công ty quyết định gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 đến tháng 6/2025 với lý do để có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho việc tổ chức cuộc họp.
Cụ thể, công ty sẽ hủy bỏ/chấm dứt việc triển khai tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 theo Nghị quyết HĐQT 04/2025 trước đó.
Theo kế hoạch mới, doanh nghiệp dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 trong tháng 6/2025, dự kiến là ngày 27/6/2025, cuộc họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp hoặc kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Địa điểm họp tại trụ sở chính của công ty hoặc địa điểm khác được ghi cụ thể trên thông báo mời họp gửi đến cổ đông có quyền dự họp.
Chương trình, nội dung họp và các vấn đề khác liên quan đến cuộc họp cũng sẽ được công ty ghi cụ thể trên thông báo mời họp gửi đến cổ đông có quyền dự họp, được thông báo trên trang điện tử của công ty và/hoặc được công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Angimex giải trình gì về việc cổ phiếu AGM giảm sàn 5 phiên liên tiếp?

Ảnh minh họa
Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, MCK: AGM) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin và giải trình về việc giá cổ phiếu AGM giảm sản 5 phiên liên tiếp từ ngày 2/4/2025 đến ngày 9/4/2025.
Theo đó, công ty nhận thấy có thể do các thông tin liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, tài khoản tại 3 ngân hàng bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu AGM gảm sàn 5 phiên liên tiếp.
Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, vốn Chủ sở hữu âm, tổng số lỗ lũy kế vượt quá Vốn điều lệ thực góp đã dẫn đến việc cổ phiếu AGM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo như Thông báo số 383/SGDHCM-NY ngày 1/4/2025 của HoSE.
Bên cạnh đó, tài khoản của công ty tại 3 ngân hàng bị phong tỏa theo yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Angimex cho biết, công ty không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoản, nên việc giảm sàn 5 phiên liên tiếp ngoài các thông tin như đã nêu trên là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Trước đó, ngày 9/4, HoSE đã có văn bản gửi Angimex liên quan đến cổ phiếu AGM. Tại văn bản này, HoSE cho biết, qua công tác giám sát giao dịch cổ phiếu AGM, cơ quan quản lý nhận thấy giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 2/4/2025 đến 9/4/2025.
Căn cứ quy định tại điểm q khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; căn cứ công văn số 2828/UBCK-VP ngày 16/5/2022 của UBCKNN; HoSE đề nghị Angimex thực hiện báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
PV