Bản tin kinh tế ngày 14/11/2024

Rạng Đông Holding giải trình chậm nộp BCTC quý III/2024; Thêm 3.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu 'chảy' về ACB;...là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Rạng Đông Holding giải trình chậm nộp BCTC quý III/2024

Bản tin kinh tế ngày 14/11/2024- Ảnh 1.

Ngày 13/11/2024, Công ty CP Rạng Đông (Rạng Đông Holdings, MCK: RDP) đã có công văn số 311/CV-RDP giải trình chậm nộp BCTC quý III/2024.

Theo văn bản này, doanh nghiệp cho biết đã nhận được Công văn số 1720/SGDHCM-NY ngày 1/11/2024 về việc nhắc nhở chậm nộp BCTC quý III/2024 và công văn số 1739/SGDHCM-NY ngày 6/11/2024 về việc nhắc nhở chậm công bố thông tin BCTC quý III/2024 lần 2 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Giải trình về vấn đề này, Rạng Đông Holdings cho biết, công ty ặp khó khăn về nhân sự, đặc biệt là nhân sự kế toán nghỉ việc nhiều dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn thành nộp BCTC quý III/2024 đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Phía RDP cũng cam kết cố gắng tập trung hoàn thành BCTC quý III/2024 và công bố trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, do chậm công bố thông tin Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 45 ngày, cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holding bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 24/10/2024 theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, cổ phiếu RDP được theo dõi ở diện cảnh báo theo Quyết định số 397/QĐ-SGDHCM ngày 17/6/2022 của Tổng Giám đốc HoSE. Do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 142,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 205,7 tỷ đồng (căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023), cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b và d khoản 4 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu RDP đồng thời được theo dõi ở diện cảnh báo theo quyết định số 212/QĐ-SGDHCM ngày 16/4/2024 của Tổng Giám đốc HoSE. Do Công ty chưa đáp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Trong văn bản báo cáo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE, Rạng Đông Holding nêu nguyên nhân chậm công bố thông tin Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 là do Công ty và tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt không chốt được báo cáo kiểm toán đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Rạng Đông Holding cam kết tập trung hoàn thành Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 và công bố trong thời gian sớm nhất có thể. Đồng thời, cam kết định kỳ hàng quý (tính theo năm dương lịch) giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và công bố thông tin theo đúng quy định.

Thêm 3.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu 'chảy' về ACB

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu Đợt 2 Lần 3 và Đợt 3 Lần 3 năm 2024.

Theo đó, ngày 4/11/2024 ACB đã phát hành thành công trái phiếu Đợt 2 Lần 3 năm 2024 với lô trái phiếu mã ACBL2426013. Lô trái phiếu gồm 1.500 trái phiếu này với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 5%/năm, lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn ngày 4/11/2026.

Chỉ sau đó 2 ngày, ACB cũng đã phát hành thành công trái phiếu Đợt 3 Lần 3 năm 2024 với lô trái phiếu mã ACBL2426014. Lô trái phiếu gồm 2.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng. Cũng với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 5%/năm, lô trái phiếu dự kiến đáo hạn ngày 6/11/2026.

Theo thống kê trên HNX, kể từ đầu năm 2024 đến nay, ACB đã phát hành tổng cộng 14 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 23.840 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn từ 2-5 năm, lãi suất dao động từ 4,5-6,1%/năm.

Liên quan đến phát hành trái phiếu của ACB, trung tuần tháng 10/2024 ngân hàng này đã công bố nghị quyết của HĐQT về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 3 trong năm tài chính 2024.

Theo đó, ACB dự kiến phát hành tối đa 150.000 trái phiếu loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Lô trái phiếu này có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng, tổng giá trị phát hành tối đa là 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm, dự kiến phát hành thành 15 đợt khác nhau.

Mức lãi suất sẽ được Tổng Giám đốc ACB quyết định tùy theo nhu cầu của thị trường. Thanh toán lãi định kỳ với hình thức trả sau, 12 tháng một lần.

Mục đích phát hành trái phiếu của ACB nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

SAM Holdings có Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc mới

Bản tin kinh tế ngày 14/11/2024- Ảnh 2.

Công ty cổ phần SAM Holdings (MCK: SAM, sàn HoSE) đã có văn bản số 59/2024/CV-SAM công bố thông tin bất thường liên quan đến tình hình nhân sự cấp cao của doanh nghiệp.

Theo đó, HĐQT SAM Holdings đã thông qua nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Hoàng Lê Sơn và miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Trần Việt Anh, thời gian miễn nhiệm từ ngày 12/11.

Trước đó, ông Hoàng Lê Sơn có làm đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT với lý do cá nhân. Ông Sơn có trình độ chuyên môn Thạc sỹ kinh doanh, được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT SAM Holdings từ ngày 25/6/2020.

Ở chiều ngược lại, SAM Holdings tiến hành bổ nhiệm ông Trần Việt Anh vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thời gian bổ nhiệm từ ngày 12/11/2024.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng bổ nhiệm ông Trần Quang Khang- Phó Tổng Giám đốc lên vị trí Tổng Giám đốc thay ông Trần Việt Anh, thời gian hiệu lực từ ngày 12/11.

Được biết, ông Trần Việt Anh được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc SAM Holdings từ ngày 31/8/2018 còn ông Trần Quang Khang chỉ mới được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc từ ngày 4/9/2024.

Về tình hình kinh doanh, quý III/2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp này ở mức 8,14 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức lãi 7,58 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của SAM, lãi ròng quý III/2024 tăng là do tăng doanh thu bán hàng.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 3.177,21 tỷ đồng, tăng 118,8% và lợi nhuận sau thuế ở mức 82,65 tỷ đồng, tăng 233,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vingroup tách Vinfast để thành lập công ty con mới

Mới đây, HĐQT Tập đoàn Vingroup-CTCP đã có văn bản số 478/2024/CV-TGĐ-VINGROUP gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin liên quan đến Nghị quyết HĐQT.

Theo văn bản này, nhằm mục đích tổ chức lại cơ cấu sở hữu trong nhóm công ty Vinfast để tăng cường hiệu quả hoạt động, HĐQT tập đoàn đã thông qua Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐQT-VINGROUP phê duyệt về việc tách Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast (Vinfast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng) và thành lập một công ty con mới dự kiến có tên Công ty CP Đầu tư và phát triển Vinfast (Đầu tư Vinfast).

Vốn điều lệ dự kiến của Đầu tư Vinfast là hơn 2.464 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sẽ là đơn vị nắm các khoản đầu tư ra nước ngoài phục vụ hoạt động của nhóm các công ty thuộc Vinfast ở nước ngoài.

Tỷ lệ góp vốn của Tập đoàn Vingroup là 51,11% vốn điều lệ của Đầu tư Vinfast; tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại Vinfast sau chia tách là 61,06%.

Ngoài ra, HĐQT Vigroup cũng thông qua Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐQT-VINGROUP về việc cho vay đối với Vinfast.

Cụ thể, trong vòng 24 tháng kể từ ngày ban hành Nghị quyết, Vingroup sẽ cho các công ty trong nhóm Vinfast tại Việt Nam vay tối đa 35.000 tỷ đồng để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Vingroup sẽ chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu với tổng giá trị tối đa 80.000 tỷ đồng thành khoản góp vốn vào Vinfast bằng việc Vingroup mua thêm cổ phần ưu đãi cổ tức theo phương án được ĐHĐCĐ Vinfast thông qua.

Những kế hoạch này của Vingroup nhằm hỗ trợ Vinfast có đủ nguồn lực và thêm dự phòng để tài trợ hoạt động kinh doanh, các khoản đầu tư thiết yếu và hoàn thành các nghĩa vụ khác của công ty.

Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận sau thuế bán niên 2024 của VinFast ở mức âm hơn 9.068 tỷ đồng, tuy nhiên đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 18.038,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT