Bản tin kinh tế ngày 19/9/2024

Novaland giải trình về việc cổ phiếu NVL vào diện cảnh báo; GKM Holdings muốn gia hạn trái phiếu thêm 2 năm;.. là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Novaland giải trình gì về việc cổ phiếu NVL vào diện cảnh báo?

Bản tin kinh tế ngày 19/9/2024- Ảnh 1.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, MCK: NVL) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình về việc khắc phục tình trạng chứng khoán thuộc diện cảnh báo theo công văn số 1435/SGDHCM-NY ngày 16/9/2024 của HoSE.

Theo văn bản này, trong 6 tháng đầu năm 2024, Novaland đã và đang cùng lúc triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Cụ thể như: tái khởi động các dự án, hoàn thiện và bàn giao sản phẩm, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cư dân, đồng thời tiếp tục với các nỗ lực tái cấu trúc tài chính…

Do đó, số lượng giao dịch, hồ sơ chứng từ tăng cao, dẫn đến các thủ tục kiểm toán và thu thập, đánh giá thông tin liên quan để hoàn thành soát xét báo cáo tài chính (BCTC) Novaland bán niên của đơn vị kiểm toán đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Phía Novaland thông tin, công ty đã tích cực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH PwC (Việt Nam) nhằm hoàn tất và công bố thông tin BCTC soát xét bán niên 2024 đúng thời hạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các công việc trong khâu cuối cùng nhằm hoàn tất BCTC soát xét bán niên 2024 vẫn chưa hoàn tất.

Cũng tại văn bản này, Novaland cho biết sẽ nỗ lực hoàn tất việc công bố BCTC soát xét bán niên 2024 trước ngày 28/9/2024. Công ty cam kết sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định và quy chế liên quan đến CBTT nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và tính minh bạch của công ty.

Được biết, cổ phiếu NVL bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/9/2024 do doanh nghiệp chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2024 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, ngày 10/9, HoSE cũng đưa cổ phiếu này vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do Novaland đã chậm công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã được soát xét quá 5 ngày làm việc so với thời hạn quy định.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch 18/9/2024, cổ phiếu NVL ở mức 11.300 đồng/cổ phiếu, tăng 0,89% so với giá chốt phiên trước đó.

GKM Holdings muốn gia hạn trái phiếu thêm 2 năm

CTCP GKM Holdings (MCK: GKM) vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản. Nội dung lấy ý kiến trái chủ về phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 24 tháng, tương ứng ngày đáo hạn là 20/9/2026.

Thời gian chốt danh sách trái chủ là ngày 10/9 và thời hạn cuối cùng để trái chủ gửi trả lời phiếu lấy ý kiến là 9h ngày 18/9. Sau đó, phiếu sẽ được kiểm và công bố kết quả trong ngày 19/09.

Theo dữ liệu từ HNX, GKMH2124001 là trái phiếu duy nhất đang lưu hành của GKM, phát hành ngày 20/9/2021, giá trị huy động 100 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính và đầu tư dự án nhà máy nhôm Khang Minh tại tỉnh Hà Nam.

Trái phiếu phân bổ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có kỳ hạn ban đầu là 36 tháng, đáo hạn ngày 20/09/2024, lãi suất 12,6%/năm, thanh toán lãi mỗi 3 tháng. Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng 7 triệu cổ phiếu GKM.

CTCP Chứng khoán APG (MCK: APG) làm tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký, quản lý chuyển nhượng, quản lý tài sản đảm bảo.

Trong nửa đầu năm 2024, GKM Holdings đã thanh toán gần 3 tỷ đồng tiền lãi và 300 triệu đồng tiền gốc. Hiện lô trái phiếu này đang còn lưu hành với giá trị 44,9 tỷ đồng.

Chủ tịch Thực phẩm Hữu Nghị dự chi 100 tỷ đồng để 'gom' cổ phiếu HNF

Bản tin kinh tế ngày 19/9/2024- Ảnh 2.

Ông Trịnh Trung Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị (MCK: HNF), đăng ký mua gần 3,5 triệu cổ phiếu HNF. Nếu giao dịch thành công, ông Hiếu sẽ nâng số lượng cổ phiếu sở hữu từ 8,23 triệu (tương đương 27,45% vốn điều lệ) lên 11,73 triệu cổ phiếu, tương ứng với 39,09% vốn.

Với mức giao dịch chiều ngày 18/9/2024 là 28.600 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hiếu sẽ phải chi khoảng 100 tỷ đồng để sở hữu thành công 3,5 triệu cổ phiếu HNF.

Động thái mua vào cổ phiếu của ông Trịnh Trung Hiếu diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HNF đã tăng 41% so với đầu năm 2024, nâng giá trị vốn hóa của công ty lên mức 858 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối lượng cổ phiếu ông Hiếu đăng ký giao dịch đúng bằng tổng số lượng bán ra của 3 cá nhân từng là lãnh đạo và người có liên quan tại HNF. Cụ thể, hai cựu lãnh đạo công ty là bà Lê Thị Lan Anh- cựu Phó Chủ tịch HĐQT và ông Lê Việt Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT (chị gái ông Việt Anh), đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu, lần lượt 1 triệu đơn vị (3,34% vốn) và 1,35 triệu đơn vị (4,5% vốn).

Con gái bà Lan Anh là bà Vũ Lâm Nhi cũng đăng ký bán 1,14 triệu cổ phiếu HNF (3,8% vốn điều lệ) trong thời gian từ 19/9 đến 18/10 với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Thời gian giao dịch dự kiến trùng với thời gian ông Hiếu đăng ký mua vào.

Trước đó, trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 lần thứ nhất, cổ đông công ty đã chấp thuận để ông Hiếu tiếp tục nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ một số cổ đông nhằm tăng tỷ lệ sở hữu mà không cần chào mua công khai.

CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ra thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Quyết định nêu rõ lý do tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam - người đại diện pháp luật của Bamboo Airways là do doanh nghiệp này đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Thời gian tạm hoãn xuất cảnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/9/2024 cho đến khi Bamboo Airways hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Ông Lương Hoài Nam (SN 1963) được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc Bamboo Airways kể từ ngày 23/10/2023. Ông là Tiến sĩ hàng không tại Nga, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không – du lịch, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý, điều hành cấp cao tại các hãng hàng không lớn như Trưởng ban Kế hoạch thị trường & Tổng biên tập Tạp chí Heritage của hãng hàng không Vietnam Airlines, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Nam Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt…

Theo Danh sách tạm hoãn xuất cảnh đổi với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế năm cập nhật đến 16/9/2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Định, ngoài ông Lương Hoài Nam, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế. Đơn cử như: bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc- Giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Ngọc; bà Nguyễn Thị Thọ Lộc- Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiện Phú; ông Lê Tuấn Vũ- Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Quy Nhơn Palace; ông Phan Minh Trọng- Giám đốc Công ty TNHH Xuân Nguyên.

Các cá nhân này bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/7/2024 cho đến khi các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT