Bản tin kinh tế ngày 2/10/2024

Ông Nguyễn Hoàng Hải được tái bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc Eximbank; BVB được gia hạn trái phiếu;... là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Ông Nguyễn Hoàng Hải được tái bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc Eximbank

Bản tin kinh tế ngày 2/10/2024- Ảnh 1.

Ảnh: EIB

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, MCK: EIB, sàn HoSE) vừa thông qua quyết định số 309/2024/EIB/QĐ-HĐQT về việc tái bổ nhiệm chức vụ quyền Tổng Giám đốc ngân hàng.

Quyết định này có hiệu lực trong thời gian 3 năm, kể từ ngày 3/10/2024.

Được biết, ông Nguyễn Hoàng Hải (SN 1978) là Cử nhân Đại học Ngoại thương Hà Nội, Cử nhân Đại học Saxion (Hà Lan) chuyên ngành Kinh tế Marketing và Thạc sỹ khoa học chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế.

Ông Hải gia nhập Eximbank từ ngày 2/8/2023, đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực và được bổ nhiệm vào ghế quyền tổng giám đốc 2 tháng sau đó.

Trước đó, ông Hải từng là thành viên Hội đồng Đầu tư ABBank, Phó Tổng Giám đốc ABBank Asset Management và Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance, MCK: EVF).

Trong một diễn biến khác, ngày 20/9/2024, Eximbank đã kết thúc đợt phát hành 122 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 7%, số cổ phiếu dự kiến được chuyển giao trong quý IV/2024.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng chi hơn 522 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3%. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức mà EIB chi trả cho năm 2023 là 10%.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau 10 năm Eximbank thực hiện lại kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất cổ đông ngân hàng này nhận cổ tức tiền mặt là vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.

Ba cha con Chủ tịch Nam Long hoàn tất 'sang tay' 2 triệu cổ phiếu NLG?

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG, sàn HoSE) vừa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Quang đã bán thỏa thuận 2 triệu cổ phiếu NLG trong phiên 30/9 để giảm sở hữu từ 40,45 triệu cổ phiếu (10,51% vốn điều lệ) xuống 38,45 triệu cổ phiếu (9,99% vốn điều lệ).

Chốt phiên 30/9, cổ phiếu NLG đóng cửa ở mức 41.550 đồng/cổ phiếu. Tạm tính đây là giá giao dịch cổ phiếu, ước tính Chủ tịch Nam Long đã đem về hơn 83 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hai người con trai của Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang cũng báo cáo việc mua vào tổng số 2 triệu cổ phiếu trong cùng khoảng thời gian.

Cụ thể, từ ngày 26/9 đến ngày 30/9, ông Nguyễn Hiệp đã mua thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu NLG để nâng sở hữu từ 0,35% lên 0,61% vốn điều lệ. Tương tự, ông Nguyễn Nam cũng mua thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu NLG để nâng sở hữu từ 0,18% lên 0,44% vốn điều lệ trong thời gian từ ngày 25/9 đến ngày 30/9.

Ước tính, hai con trai của ông Quang, mỗi người cũng dự chi khoảng 40 tỷ đồng để mua vào mỗi người 1 triệu cổ phiếu.

Dù không công bố chính thức nhưng nhiều khả năng đây là thương vụ chuyển nhượng nội bộ của cha con Chủ tịch Nam Long.

BVB được gia hạn trái phiếu

Bản tin kinh tế ngày 2/10/2024- Ảnh 2.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đăng tải văn bản của Công ty CP BVB công bố thông tin bất thường Nghị quyết người sở hữu trái phiếu thay đổi kỳ hạn và ngày đáo hạn trái phiếu.

Theo đó, BVB được trái chủ lô trái phiếu BVBCH2123001 chấp thuận cho doanh nghiệp này được gia hạn thời gian mua lại gốc ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 31/03/2025.

Ngày đáo hạn trái phiếu sau điều chỉnh thay đổi thành 31/3/2025, lỳ hạn 1.375 ngày kể từ ngày phát hành.

Để làm rõ toàn bộ số tiền thu được từ việc bán các căn hộ tòa A, B dự án nhà ở xã hội SaPa chỉ được sử dụng để trả gốc, lãi, lãi phạt trên lãi, lãi phạt trên gốc, chi phí bán hàng và thuế (nếu có) cho đến khi BVB mua lại toàn bộ gốc trái phiếu.

Theo tìm hiểu, BVBCH2123001 là lô trái phiếu duy nhất mà BVB đang lưu hành. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 25/06/2021, giá trị 300 tỷ đồng. Lãi suất phát hành 10,3%/năm.

Tài sản đảm bảo gồm một loạt quyền sử dụng đất, quyền khai thác của dự án nhà ở xã hội Sa Pa giai đoạn 1 thuộc sở hữu của BVB và CTCP Bất động sản Minh Điền Vital; toàn bộ công trình xây dựng du lịch Anh Đào (Takalau Residences Club and Resort) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Anh Đào và vốn góp của các cổ đông tại các công ty BVB, Anh Đào và Công ty TNHH Thùy Dương.

Sau nhiều lần mua lại trước hạn, giá trị còn đang lưu hành của lô BVBCH2123001 là 135 tỷ đồng (tính đến ngày 2/7/2024).

BVB cùng Công ty Cổ phần bất động sản Minh Điền Vital là liên danh chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Sa Pa có tên Sa Pa Tower A.

Đây là dự án nhà ở xã hội cao tầng, thuộc dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại Khu dự phòng Tây Bắc, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Dự án có tổng diện tích 3.865m2, trong đó diện tích xây dựng 1.335,7m2, tổng diện tích sàn xây dựng không bao gồm hầm khoảng 15.657,8m2diện tích sàn tầng hầm khoảng2.740m2.

Dự án nhà ở xã hội cao tầng Sa Pa Tower A có quy mô 1 tòa chung cư cao 13 tầng nổi và 1 tầng hầm. Cung cấp ra thị trường 182 căn hộ chung cư, có diện tích từ 45,2 m2 (1 phòng ngủ) đến 74,3m2 (3 phòng ngủ). Dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết kháng cáo

Tính đến ngày 1/10, sau gần 2 tháng diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra ở Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan; TAND TP.Hà Nội đã nhận được 25/50 đơn kháng cáo, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Phần lớn các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo, xin được giảm trách nhiệm dân sự.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, kháng cáo xin giảm nhẹ về mức hình phạt và mức trách nhiệm dân sự áp dụng với bị cáo trong vụ án.

Hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án, không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.

Riêng bị cáo Lê Văn Tuấn - Kiểm toán viên Công ty CPA kháng cáo toàn bộ bản án, không đồng ý với nội dung và mức án mà bản án sơ thẩm đã quy kết cho bị cáo.

Như đã đưa tin, trước đó, chiều 5/8, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án với 50 bị cáo trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra ở Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, cáo trạng xác định: Từ năm 2017 đến 2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 4 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính khoảng 700 tỷ đồng.

Với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng xác định ông Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, bán cho các nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng.

HĐXX nhận định, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu cầm đầu; hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền lừa đảo đặc biệt lớn, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư.

Nhóm bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung,...giữ vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực cho hành vi phạm tội của bị cáo Quyết.

Để cho nhóm Trịnh Văn Quyết gây ra những hành vi trên, nhóm bị cáo thuộc đơn vị kiểm toán và các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm trái quy định, chịu sự tác động của Trịnh Văn Quyết để cho niêm yết số cổ phiếu ROS trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo này được đánh giá gây nguy hiểm cho xã hội.

Trong quá trình xét hỏi tại toà, các bị cáo đều tỏ thái độ ăn năn hối cải. Bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) nhận được đơn đề nghị giảm án từ địa phương xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vì có nhiều thành tích trong công tác từ thiện, phát triển kinh tế địa phương.

Các bị cáo cũng có thành tích trong việc phát triển kinh tế tại nhiều địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, do đó cũng nhận được đơn xin giảm án từ nhiều cá nhân, địa phương khác.

HĐXX cũng cho biết, đã xem xét đến yếu tố như: nhiều bị cáo có quan hệ gia đình (vợ chồng, anh em ruột, bố con... ) trong vụ án.

Với các tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị tuyên 18 năm tù vì thao túng và 3 năm tù về lừa đảo, tổng hợp 21 năm tù; Trịnh Thị Minh Huế tổng hợp 14 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga tổng hợp 8 năm tù; Hương Trần Kiều Dung tổng hợp 8 năm 6 tháng tù.


An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT