Bản tin kinh tế ngày 20/10/2024
Vinaconex sắp chi 600 tỷ đồng thành lập công ty con; Cảng Phước An báo lãi trở lại trong quý III/2024;...là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.
Vinaconex sắp chi 600 tỷ đồng thành lập công ty con
Tổng công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về phê duyệt phương án đầu tư góp vốn thành lập Công ty TNHH Vinaconex Capital One.
Theo đó, Hội đồng quản trị đã thông qua phương án đầu tư góp vốn thành lập công ty Vinaconex Capital One do Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Loại hình doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trụ sở tại Tòa nhà VINACONEX, 34 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng Giám đốc Vinaconex quyết định thời gian góp vốn và triển khai các công việc cần thiết khác để hoàn tất việc thành lập công ty và thực hiện góp vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024, tính đến 30/06/2024, Vinaconex đang sở hữu 21 công ty con gồm 18 công ty sở hữu trực tiếp và 3 công ty sở hữu gián tiếp.
Tổng công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam trước đây là một Tổng Công ty Nhà nước, được cổ phần vốn hóa và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký doanh cấp ngày 1/12/2006.
Hoạt động kinh doanh chính của công ty là đầu tư kinh doanh bất động sản, thi công xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, hạn tầng kỹ thuật đô thị,... và các hoạt động kimh doanh khác theo Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp.
Cảng Phước An báo lãi trở lại trong quý III/2024
Tại báo cáo tài chính quý III/2024 mới công bố, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP - sàn UPCoM) tiếp tục không ghi nhận doanh thu, chỉ phát sinh doanh thu tài chính đạt 10,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Trước đó, Cảng Phước An cũng "trắng" doanh thu liên tiếp từ năm 2017 đến năm 2023. PAP từng nhiều lần giải thích về việc không ghi nhận doanh thu là bởi công ty là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động kinh doanh.
Cũng theo giải trình, doanh thu tài chính phát sinh trong kỳ không đến từ các khoản lãi tiền gửi. Đây là khoản hạch toán phát sinh bằng giao dịch ngoại tệ trong quá trình thực hiện mua sắm máy móc trang thiết bị nhập khẩu.
Trong kỳ, Cảng Phước An chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp gần 630 triệu đồng so với cùng kỳ 1,66 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu tài chính đột biến, Cảng Phước An vẫn ghi nhận lãi 9,92 tỷ đồng trong quý III/2024, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ lỗ 1,66 tỷ đồng.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Cảng Phước An ghi nhận doanh thu tài chính đạt 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận; lợi nhuận sau thuế đạt 6,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ gần 5 tỷ đồng.
Nhờ có lãi trở lại mà tính tới 30/9/2024, Cảng Phước An giảm lỗ luỹ kế còn 7,42 tỷ đồng.
Về quy mô tài sản sản, tính tới 30/9/2024, tổng tài sản của Cảng Phước An tăng tới 51% so với đầu năm, lên 6.692 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 5.912,5 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 600,1 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Cảng Phước An tăng 138,2% so với đầu năm, lên 3.027 tỷ đồng và bằng tới 122% tổng vốn chủ sở hữu.
Điểm đáng lưu ý, trong Báo cáo tài chính quý III của Cảng Phước An, đơn vị này không thuyết minh chi tiết các khoản mục trên Báo cáo tài chính.
CII vừa huy động thêm hàng trăm tỷ đồng trái phiếu
Theo công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã: CII, sàn HoSE), ngày 17/10 vừa qua đã chào bán thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu mã CIIH2427002, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành là 200 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11%/năm.
Trước đó, ngày 14/10 CII đã kết thúc thời gian chào bán lô trái phiếu mã CIIB2426001 với khối lượng 3.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu để huy động 300 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và cũng không được đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10%/năm. Nguồn vốn mà CII huy động thông qua đợt chào bán lần này được sử dụng để cơ cấu lại các khoản nợ.
Theo báo cáo phát hành của CII, kết thúc đợt chào bán có 4 nhà đầu tư cá nhân được phân phối 2,1 tỷ đồng, 2 nhà đầu tư tổ chức trong nước được phân phối 248,2 tỷ đồng, 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài 49,7 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, CII thu ròng khoảng 299,3 tỷ đồng tiền từ phát hành trái phiếu.
CII cho biết, khi trái phiếu này được đăng ký lưu ký tập trung tại Tổng Công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, niêm yết tại HNX, trái phiếu sẽ được cấp mã khác theo quy định.
Trong diễn biến khác, ngày 1/10 là kết thúc thời gian CII chào mua công khai mua 5 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB - sàn HoSE) từ 34 nhà đầu tư. Sau giao dịch, CII nâng sở hữu từ 54,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 54,5%), lên 59,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 59,5% vốn điều lệ của NBB).
Với giá chào mua 25.488 đồng/cổ phiếu, CII đã chi 127,4 tỷ đồng để mua vào số cổ phiếu nói trên. Số tiền được chi từ nguồn vốn tự có và vốn hợp pháp của công ty.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu gần 15 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 0,44 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 42 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 0,49 tỷ đồng, tăng 9% so với nửa đầu năm 2023.
Trong năm 2024, Năm Bảy Bảy lên kế hoạch tổng doanh thu 640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng.
Vi phạm về thuế, Tập đoàn Hà Đô bị phạt và truy thu gần 7,7 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (MCK: HDG) mới đây thông báo đã nhận được quyết định xử phạt hành chính về thuế của Tổng cục Thuế.
Cụ thể, Tập đoàn Hà Đô đã thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20% trên số tiền thuế khai thiếu), bị phạt hơn 4,1 tỷ đồng (năm 2022 gần 4,06 tỷ đồng, năm 2023 hơn 60,8 triệu đồng).
Do lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và áp dụng tình tiết tăng nặng (vi phạm hành chính nhiều lần), bị phạt 373,6 triệu đồng.
Tập đoàn Hà Đô sử dụng hóa đơn không đúng quy định liên quan đến bên lập hóa đơn bỏ địa chỉ kinh doanh theo kết luận của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ. Do đó, công ty bị áp dụng mức phạt 1,5 lần số tiền thuế vi phạm, phạt gần 1,1 triệu đồng.
Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước gần 1,1 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (TM 1053) là gần 984 triệu đồng (năm 2022 là gần 708,2 triệu đồng, năm 2023 là hơn 275,7 triệu đồng), thuế giá trị gia tăng (TM 1701) là hơn 67,6 triệu đồng (năm 2022 là hơn 39,2 triệu đồng, năm 2023 là hơn 28,4 triệu đồng).
Tập đoàn Hà Đô còn phải nộp số tiền chậm thuế gần 2,11 tỷ đồng. Trong đó, tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TM 4918) là gần 2,10 tỷ đồng (năm 2022 hơn 2,08 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 14,7 triệu đồng), tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng (TM 4931) là gần 11,9 triệu đồng (năm 2022 hơn 8,7 triệu đồng, năm 2023 gần 3,2 triệu đồng).
Số tiền chậm nộp thuế nêu trên được tính đến hết ngày 25/9/2024. Tập đoàn Hà Đô có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau ngày 25/9/2024 đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và tiền phạt vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hà Đô cần thực hiện biện pháp khắc phục giảm lỗ từ hoạt động kinh doanh gần 13,2 tỷ đồng (năm 2022 hơn 10,9 tỷ đồng, năm 2023 hơn 2,2 tỷ đồng).
Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế đối với Tập đoàn Hà Đô là gần 7,7 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 1.407 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 375 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, Hà Đô đặt kế hoạch doanh thu 2.896 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024, Hà Đô đã hoàn thành 38,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm.