Bản tin kinh tế ngày 20/11/2024

Chứng khoán DNSE dự chi 165 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2024; Eximbank bác tin đồn bị NHNN thanh tra hoạt động cấp tín dụng;...là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Chứng khoán DNSE dự chi 165 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2024 cho cổ đông

Bản tin kinh tế ngày 20/11/2024- Ảnh 1.

Công ty CP Chứng khoán DNSE (MCK: DSE) vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/11/2024, dự kiến chi trả vào ngày 19/12/2024.

Tỷ lệ thực hiện là 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phần nhận về 500 đồng tiền cổ tức. Với 330 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DNSE sẽ cần chi 165 tỷ đồng để thực hiện tạm ứng cổ tức cho cổ đông.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của DSE diễn ra vào tháng 4/2024 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tối đa 10% tiền mặt (tương đương mỗi cổ phiếu nhận về 1.000 đồng). Như vậy, nhiều khả năng Chứng khoán DNSE sẽ có thêm 1 lần chi trả cổ tức năm 2024 trong thời gian tới.

Chứng khoán DNSE tiền thân là Chứng khoán Đại Nam được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 38 tỷ đồng. Hiện, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 3.300 tỷ đồng, gấp gần 87 lần thời điểm thành lập.

Ngày 1/7/2024, DNSE được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố và trao quyết định niêm yết, 330 triệu cổ phiếu DSE lên sàn với giá tham chiếu 30.000 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 1203/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Chứng khoán DNSE.

Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã bổ sung mã chứng khoán L18 vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin) từ ngày 8/4/2024.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 8/4 đến ngày 8/5/2024, công ty chứng khoán này vẫn cấp margin đối với mã cổ phiếu L18 cho khách hàng.

Theo UBCKNN, hành vi này của DNSE vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ.

Chiểu theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, UBCKNN quyết định xử phạt hành chính Chứng khoán DNSE số tiền 125 triệu đồng.

Thiếu gia nhà Chủ tịch Đặng Thành Tâm làm đại diện văn phòng Kinh Bắc tại Hà Nội

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc CTCP (MCK: KBC, sàn HoSE) đã có thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thành lập Văn phòng đại diện và bổ nhiệm Người đứng đầu văn phòng đại diện.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 1811/2024/KBC/NQ-HĐQT, HĐQT Kinh Bắc đã thông qua việc thành lập Văn phòng đại diện Kinh Bắc tại Hà Nội với tên gọi: Văn phòng đại diện Thành công vững bền Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP tại TP.Hà Nội (tầng 4, số 40 Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội).

HĐQT KBC cũng thống nhất bổ nhiệm ông Đặng Nguyễn Nam Anh là người đứng đầu văn phòng đại diện doanh nghiệp tại Hà Nội. Thời gian bổ nhiệm từ thời điểm ban hành Nghị quyết này cho đến khi có thông báo thay đổi của Tổng Công ty.

Theo Báo cáo quản trị bán niên 2024 của KBC, ông Đặng Nguyễn Nam Anh là con trai Chủ tịch Đặng Thành Tâm- Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc.

Trước đó, ông Nam Anh từng xuất hiện trước truyền thông tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên với tổ hợp các nhà đầu tư được Trump Organization lựa chọn gồm Tập đoàn Phát triển Hưng Yên, IDG và Horitus - hai quỹ đầu tư của Hoa Kỳ để xây dựng tổ bất động sản với quy mô 1,5 tỷ USD ở Hưng Yên.

Một người con khác của Chủ tịch Đặng Thành Tâm cũng đang giữ chức vụ quan trọng tại Kinh Bắc là bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh. Bà Quỳnh Anh hiện đang là Thành viên HĐQT KBC và sở hữu hơn 13,33 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,737% vốn Kinh Bắc (tính đến ngày 30/6/2024).

Cũng theo Báo cáo quản trị bán niên 2024 của KBC, tính đến ngày 30/6/2024, Chủ tịch Đặng Thành Tâm nắm giữ gần 138,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 18,06% vốn Kinh Bắc.

Eximbank bác tin đồn bị NHNN thanh tra hoạt động cấp tín dụng

Bản tin kinh tế ngày 20/11/2024- Ảnh 2.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, MCK: EIB) vừa có thông cáo báo chí về các thông tin giả/tin đồn thất thiệt liên quan đến hoạt động của ngân hàng.

Theo đó, thời gian gần đây, Eximbank liên tiếp nhận được các câu hỏi của cổ đông và nhà đầu tư liên quan đến thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh tra hoạt động của Eximbank.

Nội dung và tựa đề bài viết gây hoang mang dư luận, khiến độc giả hiểu sai/nhầm lẫn rằng Cơ quan thanh tra, Giám sát Ngân hàng (NHNN) vừa ban hành văn bản thanh tra cá biệt với Eximbank liên quan đến các vấn đề có tính chất "vi phạm" trong hoạt động cấp tín dụng của Ngân hàng.

Thông tin này sau đó đã nhanh chóng được chia sẻ, lan truyền, thu hút hàng nghìn bình luận rất tiêu cực về hoạt động của ngân hàng.

Eximbank khẳng định không nhận được bất kỳ quyết định nào của NHNN về việc tiến hành thanh tra về các hoạt động cấp tín dụng của Eximbank trong thời gian gần đây.

"Eximbank khẳng định luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của quý khách hàng và đối tác.

Các chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường…", thông báo của ngân hàng này nêu rõ.

Công ty con của DNP Holding thoái vốn tại 2 nhà máy nước, thu về hơn 900 tỷ đồng

Thông tin từ CTCP Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water), vừa thông qua công ty con là Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water, MCK: SII) thoái vốn khỏi các khoản đầu tư tại nhà máy nước Tân Hiệp 2 và BOO Thủ Đức.

Dựa trên nghị quyết HĐQT được ban hành, công ty đã ký hợp đồng với các bên mua và sẽ hoàn thiện giao dịch trong tháng 12. Dự kiến Công ty sẽ thu về hơn 900 tỷ đồng tiền mặt và lợi nhuận của khoản đầu tư là gần 700 tỷ đồng.

Theo DNP Water, động thái này nằm trong chiến lược chung của DNP Water chỉ tập trung vào các đơn vị thành viên có quyền chi phối và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư liên kết đã có hiệu quả tốt.

Nguồn lực sau thoái vốn sẽ được ưu tiên huy động tham gia xây dựng các dự án lớn hơn mà công ty đang theo đuổi như dự án Sông Tiền 1.

DNP Water được biết đến là một đơn vị thành viên của DNP Holding. Theo BCTC hợp nhất quý III/2024 của DNP Holding, doanh nghiệp này đang sở hữu 51,15% tỷ lệ quyền biểu quyết tại DNP Water.

Theo BCTC hợp nhất quý II/2024 của Saigon Water, tính đến ngày 30/9/2024, DNP Water nắm 50,6% vốn tại SII.

Trước đó, hồi tháng 12/2023, DNP Water đã đăng ký mua vào gần 20,4 triệu cổ phiếu SII của Saigon Water với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.

Sau giao dịch, ông lớn ngành nước nâng sở hữu lên 50,6% như hiện tại và trở thành công ty mẹ của SII.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT