Bản tin kinh tế ngày 26/8/2024

Tìm bị hại trong vụ án Shark Thủy; Phát Đạt tạm dừng phát hành cổ phiếu trả cổ tức;... là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Tìm bị hại trong vụ án Shark Thủy

Bản tin kinh tế ngày 26/8/2024- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa phát ra thông báo tìm người bị hại trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup), công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame (công ty Egame).

Theo đó, kết quả điều tra vụ án xác định trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2023, bị can Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, công ty Egame và đồng phạm đã sử dụng pháp nhân công ty Egame thực hiện hành vi gian dối trong việc sử dụng cổ phần Tập đoàn Egroup không có thật để huy động vốn bằng các hình thức giao dịch, như: Bán cổ phần nhận thanh toán tiền mặt, chuyển khoản; Bán cổ phần thanh toán bằng bất động sản; Vay mượn tiền nhà đầu tư đảm bảo bằng sở hữu cổ phần.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những nhà đầu tư này là người bị hại trong vụ án. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, những người bị hại cần đến làm việc, trình báo và cung cấp thông tin, hồ sơ, chứng từ trong việc mua, cho vay bảo đảm bằng sở hữu cổ phần Tập đoàn Egroup, theo địa chỉ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội); số điện thoại 0993093865.

Nếu hết thời hạn điều tra vụ án theo quy định của pháp luật nhưng người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xem xét, giải quyết trong vụ án.

Phát Đạt tạm dừng phát hành cổ phiếu trả cổ tức

HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) vừa qua đã công bố nghị quyết thông qua việc tạm dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 hồi tháng 4 vừa qua.

Theo kế hoạch ban đầu, Phát Đạt dự kiến phát hành 131 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:15 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận về 15 cổ phiếu mới), qua đó tăng vốn điều lệ từ 8.731 tỷ đồng lên vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại cuối năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III/2024, sau khi được sử chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, HĐQT Phát Đạt quyết định dừng triển khai phương án trên để ưu tiên tập trung thực hiện việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ vay theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, nhằm đảm bảo việc hoán đổi nợ được thực hiện theo đúng thời hạn công ty đã cam kết với đối tác.

HĐQT công ty cũng thống nhất huỷ quyết định hồi tháng 7/2024 của HĐQT về việc triển khai phương án phát hành và hồ sơ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt được giao toàn quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện các công việc liên quan theo đúng quy định.

Về việc hoán đổi nợ, Phát Đạt dự kiến phát hành hơn 34 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu (1 cổ phiếu sẽ được hoán đối 20.000 đồng nợ) để hoán đổi khoản nợ 30 triệu USD từ ACA Vietnam Real Estate III LP (Cayman Island) vào tháng 3/2022, với lãi suất cố định 8%/năm. Mục đích vay để đầu tư cho dự án Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đây là khoản nợ nước ngoài được quyền hoán đổi dư nợ gốc thành cổ phiếu phổ thông cho bên cho vay khi Công ty thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ vay và không có tài sản đảm bảo. Thời hạn hoán đổi sẽ vào ngày tròn 2 năm kể từ ngày giải ngân tối đa 50% giá trị khoản nợ.

CEO DenEast Việt Nam từ nhiệm thành viên HĐQT Lộc Trời

Bản tin kinh tế ngày 26/8/2024- Ảnh 2.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (MCK: LTG, sàn UPCoM) vừa có công bố thông tin bất thường về đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Johan Sven Richard Boden.

Trong đơn, ông Johan Boden nêu rõ vì lý do cá nhân, ông kính trình ĐHĐCĐ và HĐQT Lộc Trời được từ nhiệm chức thành viên HĐQT của công ty kể từ ngày 23/08/2024.

Đáng chú ý, ông Johan Boden mới được bầu vào HĐQT Lộc Trời nhiệm kỳ 2024-2029 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 26/6 vừa qua.

Theo giới thiệu ứng viên HĐQT, ông Johan Boden sinh năm 1971, quốc tịnh Thụy Điển, có trình độ chuyên môn là "Quản trị chung, sale & marketing, vận hành, nông nghiệp và chế biến thực phẩm". Tại Lộc Trời, ông không có người liên quan và không nắm giữ cổ phần.

Ông Johan Boden hiện là Tổng giám đốc công ty TNHH DenEast Việt Nam. Đây là công ty 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập năm 2017 với nguồn gốc từ Thụy Điển và Ukraine, trụ sở chính tại KCN Việt Nam - Singapore II-A, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cuối tháng 5/2018, DenEast Việt Nam đã khởi công dự án "Nhà máy sản xuất sữa và đồ uống từ sữa DenEast" tại KCN Việt Nam - Singapore II-A (Bình Dương). Dự án có tổng công suất 210 triệu lít sản phẩm/năm với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Diện tích dự án là 50.000m2.

Ông Johan Sven Richard Boden không phải là lãnh đạo cấp cao duy nhất của Lộc Trời nộp đơn từ nhiệm thời gian gần đây. Vào ngày 22/7, bà Nguyễn Thị Thúy cũng xin từ chức thành viên ban kiểm soát công ty này.

Bộ TN&MT chỉ đạo điều chỉnh bảng giá đất, ngăn ngừa trục lợi qua đấu giá đất

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân vừa ký Công văn số 5774/BTNMT-QHPTTNĐ ngày 23/8 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Qua công tác nắm tình hình, Bộ TN&MT cho biết, hiện có tình trạng một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành (đã xây dựng, ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành) để làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024.

"Điều này dẫn tới có sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản", văn bản của Bộ TN&MT nêu.

Bộ đánh giá, tình trạng nêu trên xảy ra có một phần do bảng giá đất hiện hành được xây dựng, ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ (đã được bỏ tại Luật Đất đai năm 2024).

Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện bảng giá đất, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá cho phù hợp. Do đó giá đất trong bảng giá tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi áp dụng giá đất phải chỉ đạo rà soát. Trường hợp giá đất chưa phù hợp với thực tế thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh theo Luật Đất đai 2013, áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT