Bản tin kinh tế ngày 26/9/2024

Tân Đông Phương không mua vào cổ phiếu ITA như đăng ký; An Phát Holdings miễn nhiệm một Phó Tổng Giám đốc;... là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Công ty liên quan bà Đặng Thị Hoàng Yến không mua vào cổ phiếu ITA như đăng ký

Bản tin kinh tế ngày 26/9/2024- Ảnh 1.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Tân Đông Phương (Tân Đông Phương) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo.

Theo đó, Tân Đông Phương đăng ký mua 5,8 triệu cổ phiếu ITA theo phương thức thoả thuận từ ngày 26/8 đến ngày 24/9. Nếu giao dịch thành công, doanh nghiệp này sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Tân Tạo từ 11,84% lên 12,46%, tương ứng 116,9 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, kết thúc thời gian đăng ký mua, Công ty Tân Đông Phương không mua được cổ phiếu ITA nào do "điều kiện thị trường chưa phù hợp".

Được biết, Tân Đông Phương là doanh nghiệp liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến (tên gọi khác là Maya Dangelas) – Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Tạo. Hiện, bà Yến đang giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Tân Đông Phương.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Phong- Tổng Giám đốc Tân Tạo cũng đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc tại Tân Đông Phương.

Liên quan đến cổ phiếu ITA, kể từ ngày 26/9, mã này sẽ bị đình chỉ giao dịch theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Nguyên nhân là vì Công ty Tân Tạo tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Theo HoSE, Tân Tạo vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với hạn định. Cuối tháng 8/2024, công ty có văn bản xin hoãn công bố BCTC kiểm toán 2023, báo cáo thường niên 2023 và BCTC soát xét bán niên 2024.

Đầu tháng 9/2024, HoSE tiếp tục có văn bản nhắc nhở Tân Tạo về việc chậm công bố BCTC soát xét bán niên 2024 nhưng doanh nghiệp vẫn chưa công bố thông tin này.

Về hoạt động kinh doanh, theo BCTC quý II/2024 tự lập, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 71 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ.

Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 142 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 64 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2024, Tân Tạo đặt kế hoạch doanh thu 530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2024, Tân Tạo mới hoàn thành 36% so với kế hoạch năm.

GPC chốt quyền phát hành gần 12,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông

Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ (MCK: GPC) vừa thông báo chốt quyền phát hành gần 12,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông nhằm thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, mệnh giá giao dịch của cổ phiếu GPC là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện là 10:3, tức là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có 1 quyền nhận cổ phiếu, cứ 10 quyền sẽ nhận được thêm 3 cổ phiếu mới phát hành.

Với gần 41,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, GPC dự kiến phát hành thêm gần 12,5 triệu cổ phiếu thưởng với tổng giá trị phát hành là gần 125 tỷ đồng.

Sau đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của GPC sẽ tăng từ gần 416 tỷ đồng lên gần 541 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Dược Xanh, thành lập ngày 1/6/ 2016, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm dược phẩm và thảo được. Cho tới nay, Công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác như kinh doanh nhà thuốc, bắt động sản,...

Khi mới thành lập, GPC có vốn điều lệ là 24 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm bà Đặng Bích Hằng nắm giữ 91,7% cổ phần, ông Đặng Đức Thành năm nắm giữ 7,5% cổ phần và bà Lâm Thị Diệu Hương nắm giữ 0,8% cổ phần.

Cổ phiếu của Công ty giao dịch đầu tiên trên UPCoM với giá 16.000/cổ phiếu với mã cổ phiếu là GPC.

An Phát Holdings miễn nhiệm một Phó Tổng Giám đốc

Bản tin kinh tế ngày 26/9/2024- Ảnh 2.

CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (mã: APH) vừa công bố thông tin về việc miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc Nguyễn Lê Thăng Long kể từ ngày 25/9.

Được biết, ông Nguyễn Lê Thăng Long sinh năm 1984, trình độ Tiến Sĩ Khoa Học Vật Liệu, ĐH Ecole Polytechnique. Ông Long gia nhập An Phát Holdings từ 2017 đến nay và được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc từ đầu năm 2021.

Ngoài ra, ông Long còn giữ chức vụ tại một số công ty con như: Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa An Phát Xanh, Tổng giám đốc CTCP AnBio, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sản xuất PBAT An Phát...

Ngày 9/10 tới đây, An Phát Holdings dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường tại Hải Dương nhằm thông qua báo cáo về một số nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh, miễn nhiệm/bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị và một số nội dung khác.

Về tình hình kinh doanh, trong nửa đầu năm nay, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần 6.640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 271 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm 10% thì lợi nhuận gấp 6 lần cùng kỳ năm trước.

Dù kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm nay nhưng An Phát Holdings bất ngờ giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh 2024. Theo đó, doanh thu thuần giảm 7,1% còn 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 11% còn 281 tỷ đồng so với kế hoạch đã được đại hội cổ đông thường niên thông qua trước đó.

Việc giảm chỉ tiêu kinh doanh của APH là do đơn vị thành viên CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã: AAA) giảm doanh thu thuần hợp nhất 8,3%, xuống mốc 11.000 tỷ đồng; lãi sau thuế hợp nhất còn 314 tỷ đồng, giảm 16,7%.

Hà Nội đề nghị xử lý người trúng đấu giá cao bất thường rồi bỏ cọc

Ông Nguyễn Trọng Đông- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, vừa ký văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo đó, Hà Nội nhấn mạnh hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư. Việc này nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đáng chú ý, UBND TP.Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền theo quy định gây nhiễu loạn thị trường.

Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở TN&MT.

Hà Nội cũng đề nghị Công an TP xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Công an cũng cần đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình UBND TP quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng phải kịp thời phối hợp, hướng dẫn các huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.

Các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.

Thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định.

Chỉ đạo trên được đưa ra trong bối cảnh gần đây, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội tổ chức các phiên đấu giá quyền sử dụng đất có mức trúng đấu giá cao ngất ngưởng.

Điển hình là tại huyện Thanh Oai, giá đất trúng vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng/m2 gấp 18 lần khởi điểm. Sau khi trúng, có tới 55/68 lô đất bị bỏ cọc.

Trong báo cáo mới đây gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế, tiêu cực như một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.

Theo Bộ Xây dựng có hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Hay việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều hơn, thậm chí mang tính tổ chức.

Cơ quan quản lý đánh giá, kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT