Bản tin kinh tế ngày 28/3/2025
VSIP thanh toán lãi cho 3 lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng; Vietcombank tăng vốn điều lệ vượt 83.500 tỷ đồng;… là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 28/3/2025.
VSIP thanh toán lãi cho 3 lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) vừa có báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Theo đó, trong năm 2024, VSIP đã thanh toán khoảng 300 tỷ đồng tiền lãi cho 3 lô trái phiếu VJVCH2128001, VJVCH2330001 và VJVCH2330002.
3 lô trái phiếu trên có tổng giá trị phát hành 3.000 tỷ đồng, đều có kỳ hạn 7 năm. Trong đó, lô VJVCH2128001 phát hành tháng 7/2021, giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, lãi suất 9%/năm, dự kiến đáo hạn vào tháng 7/2028.
Hai lô còn lại gồm: VJVCH2330001 và VJVCH2330002 phát hành trong tháng 9/2023, tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, dự kiến đáo hạn vào tháng 9/2030.

Theo tìm hiểu, VSIP là liên doanh giữa hai "ông lớn" gồm Sembcorp Development (Singapore) và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, MCK: BCM).
Đến nay, VSIP đã hình thành chuỗi hàng loạt khu công nghiệp hiện diện tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương,...với quy mô lên khoảng 11.000 ha. Nếu so với các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp niêm yết hiện nay thì liên doanh này đang dẫn đầu về quỹ đất.
Ngày 26/3, Khu công nghiệp VSIP Thái Bình chính thức được khởi công tại xã An Tân và xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án có quy mô sử dụng đất 349,1432 ha, trong đó, giai đoạn 1 tổng diện tích đất thu hồi 278 ha, diện tích còn lại dự kiến thu hồi trong năm 2025.
Tổng vốn đầu tư hơn 4.932 tỷ đồng (tương đương gần 212 triệu USD). Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong khuôn khổ khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tân Trường.
Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Hải Long (VSIP Nam Định) giai đoạn 1 do VSIP làm chủ đầu tư, với quy mô 180ha tại huyện Giao Thủy.
Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.249,345 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 337,402 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong thời gian 50 năm và dự kiến khởi công vào quý III hoặc đầu quý IV năm 2025. Toàn bộ hạ tầng KCN sẽ hoàn thành vào cuối năm 2027.
Vietcombank tăng vốn điều lệ vượt 83.500 tỷ đồng
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB) vừa công bố báo cáo kết quả đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 49,5%.
Theo đó, Vietcombank đã hoàn tất phát hành 2.766.583.832 cổ phiếu cho 33.163 cổ đông. Còn 15.026 cổ phiếu sẽ bị hủy bỏ.
Nguồn vốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.
Kết thúc đợt phát hành này, Vietcombank nâng tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành từ 5.589.091.262 đơn vị lên mức 8.355.675.094 đơn vị, qua đó vốn điều lệ cũng tương ứng tăng lên mức 83.556,7 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng.
Sau đợt phát hành gần 857 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2023 để trả cổ tức còn lại của năm 2019 và 2020, Vietcombank chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào trong năm 2024.
Kiểm toán 12 dự án đất đai trọng điểm tại Hà Nội
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quyết định và triển khai kế hoạch kiểm toán chuyên đề việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
KTNN sẽ tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương năm 2024 của Hà Nội và kiểm toán chuyên đề về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn TP.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Ngô Minh Kiểm cho hay, năm 2024, cơ quan này nhận được đề nghị của UBND TP.Hà Nội về việc kiểm toán việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất của 27 dự án trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, năm nay, KTNN khu vực I lựa chọn kiểm toán 12 dự án tại 5 quận, huyện gồm Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm. Đây là những địa bàn trọng điểm về bất động sản thời gian qua.

Nội dung kiểm toán gồm, việc ban hành văn bản quản lý, hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; việc quản lý, sử dụng đất; việc quản lý quy hoạch xây dựng; việc quản lý tiền thu sử dụng đất, thuê đất; việc tuân thủ trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, chuẩn mực trong xác định giá đất.
Phạm vi kiểm toán là giai đoạn 2021-2024 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I cho biết đoàn kiểm toán sẽ đánh giá tính tuân thủ, hiệu lực, hiệu quả đối với các dự án lớn, các khu đất lấn chiếm, đất chậm đưa vào sử dụng. Từ đó, đơn vị sẽ xây dựng bức tranh tổng thể, đánh giá thực trạng lãng phí và chỉ ra nguyên nhân...
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, đây là lần đầu tiên TP.Hà Nội đề nghị KTNN kiểm toán nội dung về đất đai và khối lượng công việc phải triển khai rất lớn.
Vì vậy, các sở, ngành, quận, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN để cung cấp tài liệu, thực hiện trách nhiệm giải trình, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả kiểm toán.
Ông Nguyễn Trọng Đông- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhấn mạnh trong bối cảnh TP đang thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, thông tin của KTNN là cơ sở để thành phố, đặc biệt là các quận, huyện rà soát, hoàn thiện các thủ tục, nhìn nhận lại công tác quản lý, điều hành.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Đông, đối với riêng cuộc kiểm toán việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất, TP đã đề xuất kiểm toán 27 dự án nhằm đánh giá quy trình, thủ tục, tính đúng, tính đủ tiền sử dụng đất. Đây là các dự án quy mô lớn, là động lực phát triển của TP và khu vực phía Bắc, vì vậy rất cần thông tin của KTNN để TP đánh giá lại các nguồn lực, kịp thời khắc phục thiếu sót, tháo gỡ, giải quyết tồn đọng các dự án chậm triển khai và tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
PV