Bản tin kinh tế ngày 31/8/2024
Xử phạt nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động; Điện Gia Lai 'hút' 200 tỷ đồng từ kênh trái phiếu;..là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.
Xử phạt nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và ra quyết định xử phạt đối với nhiều doanh nghiệp có vi phạm.
Cụ thể, Công ty cổ phần Quản lý - Tư vấn đầu tư nhân lực Hoàng Việt (Hà Nội) bị xử phạt 125 triệu đồng do đóng không đúng thời hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; không cập nhật đầy đủ thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Doanh nghiệp này cũng không đăng tải hoặc không cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách nhân viên nghiệp vụ; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Công ty còn thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước với người lao động không theo quy định của pháp luật.
Công ty cổ phần Nhân lực Colecto (Hà Nội) bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng do vi phạm ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với 2 lao động.
Tại Hải Phòng, Công ty cổ phần Vận tải và Đầu tư thương mại An Thái thực hiện chưa đầy đủ một số nội dung trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về thời giờ làm việc trong ngày, số ngày trong tuần, số ngày nghỉ phép và nghỉ lễ.
Tài liệu giáo dục định hướng cho người lao động chưa đủ một số kỹ năng như chi tiêu, phong tục tập quán, sử dụng phương tiện liên lạc, giao thông mua bán…
Ngoài ra, công ty cũng đóng không đúng hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Với các vi phạm này, Cục Quản lý lao động ngoài nước xử phạt hành chính Công ty An Thái 12,5 triệu đồng và yêu cầu khắc phục tồn tại.
Cùng có vi phạm về đóng không đúng hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Công ty cổ phần Việt Nam Hòa Bình (Hòa Bình) và Công ty cổ phần Nhân lực Kim Minh (Hòa Bình) bị xử phạt 12,5 triệu đồng.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng xử phạt nhiều công ty xuất khẩu lao động với các lỗi như: Ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện không đúng nội dung hợp đồng cung ứng lao động. Một số doanh nghiệp còn bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động.
Vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng muốn bán tiếp 1 triệu cổ phiếu CSC
Bà Huỳnh Thị Mai Dung vừa có đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Cotana (MCK: CSC, sàn HNX) trong thời gian từ 29/8 - 28/9/2024.
Nếu hoàn tất giao dịch, bà Dung sẽ giảm sở hữu từ hơn 4,68 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 12,51%) còn hơn 3,68 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,84%).
Đây là lần thứ hai bà Dung đăng ký bán cổ phiếu CSC. Trước đó, bà Dung muốn bán 500.000 cổ phiếu CSC trong giai đoạn 24/7 - 22/8/2024, nhưng kết quả chỉ bán được 300.000 cổ phiếu, với lý do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Còn trong năm 2023, bà Dung cũng từng có hai lần đăng ký bán cổ phiếu CSC, mỗi lần 1 triệu cổ phiếu, nhưng cũng không lần nào thực hiện trọn vẹn giao dịch.
Bà Dung là vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng - người từng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CSC từ năm 2014 đến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CSC hồi tháng 4/2024, bà Nguyễn Đỗ Hoàng Lan (SN 2001), con gái của bà Dung và ông Lăng được bầu vào HĐQT CSC.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, bà Lan không nắm giữ cổ phiếu CSC nào. Còn ông Nguyễn Đỗ Lăng vẫn sở hữu 27.738 cổ phiếu CSC và Nguyễn Đức Đỗ Lâm (em trai bà Hoàng Lan) nắm 278.745 cổ phiếu CSC.
Hồi tháng 6/2023, vợ chồng ông Lăng và bà Dung từng bị khởi tố cùng 3 người khác trong vụ án hình sự "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại nhóm Apec.
Ngoài sở hữu cổ phiếu CSC, tính đến thời điểm 30/6/2024, bà Dung còn đang nắm giữ cổ phiếu tại các doanh nghiệp khác thuộc nhóm Apec, bao gồm gần 8,3 triệu cổ phiếu API (tỷ lệ 9.82%), gần 1,7 triệu cổ phiếu APS (tỷ lệ 2,02%), hơn 5,9 triệu cổ phiếu IDJ vào cuối năm 2023 (tỷ lệ 3,42%).
Điện Gia Lai 'hút' 200 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới đây đã đăng tải văn bản của Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC, MCK: GEG) công bố thông tin kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, ngày 26/8/2024, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 2.000 trái phiếu mã GEGH2429003, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 200 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng, dự kiến đáo hạn ngày 26/8/2029.
Các thông tin khác về trái chủ, mục đích phát hành không được công bố, tuy nhiên theo HNX, lãi suất của lô trái phiếu trên là 9,5%/năm.
Ngoài lô trái phiếu trên, GEC còn đang lưu hành 4 lô trái phiếu khác mã GEGB2124003, GEG_BOND_2018_1; GEGH2429001, GEGH2427002. Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã thanh toán 27 tỷ đồng tiền lãi và 30 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu.
Hôm nay (30/8/2024) là ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền cổ đông GEC nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 5 cổ phiếu phát hành thêm.
Với hơn 341 triệu cổ phiếu đang lưu hành, GEG dự kiến sẽ phát hành thêm gần 17,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.
Đây cũng là phương án được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận vào ngày 16/8.
Điện Gia Lai là doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện - điện mặt trời - điện gió; nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).
Siết quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Về hoạt động chào bán chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu) riêng lẻ của công ty đại chúng, dự thảo sửa đổi một số điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cụ thể, đối với nhà đầu tư tổ chức, bổ sung yêu cầu đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm.
Đối với cá nhân, bổ sung quy định phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm gần nhất.
Bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 11 quy định: "1a. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều này".
Hiện nay, Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 11) và Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.
- Nhà đầu tư tổ chức bao gồm: Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan; công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch.
- Nhà đầu tư cá nhân: Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận; Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng (năm liền trước năm mua trái phiếu).