Bản tin kinh tế ngày 7/10/2024

Thêm một lãnh đạo cấp cao của FLC xin từ nhiệm; Hơn 23.700 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh;... là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Thêm một lãnh đạo cấp cao của FLC xin từ nhiệm

Bản tin kinh tế ngày 7/10/2024- Ảnh 1.

Thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (MCK: FLC, UpCOM), doanh nghiệp này vừa có văn bản số 342/CBTT-FLC thông báo về việc nhận được Đơn xin từ nhiệm thành viên Ban Kiểm soát của bà Nguyễn Thu Hiền.

Đơn từ nhiệm của bà Nguyễn Thu Hiền sẽ được trình bày để lấy ý kiến cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 15/10 tới đây tại Tòa nhà FLC Landmark Tower, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trước đó, bà Nguyễn Thu Hiền được bổ nhiệm vào Ban kiểm soát FLC tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 20/2/2024.

Với việc bà Hiền từ nhiệm vị trí thành viên Ban Kiểm soát, Ban kiểm soát của FLC chỉ còn lại hai thành viên là ông Nguyễn Xuân Hòa và bà Nguyễn Thị Vân Anh.

Trước bà Nguyễn Thu Hiền, nhiều lãnh đạo cấp cao của FLC cũng đã nộp đơn xin từ nhiệm. Cụ thể, bà Vũ Đặng Hải Yến đã có đơn đề nghị thôi các chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, Thành viên HĐQT.

Trong đơn từ nhiệm, bà Yến cho biết do bản thân có các kế hoạch, định hướng cá nhân khác, vì vậy, để không ảnh hưởng tới định hướng, mục tiêu hoạt động và quan điểm điều hành của HĐQT, Ban Điều hành Tập đoàn FLC trong thời gian tới, bà Yến đề nghị FLC thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực. Đồng thời, thực hiện ngay thủ tục triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ để miễn nhiệm bà Yến khỏi vị trí Thành viên HĐQT FLC.

Được biết, bà Yến được bầu vào HĐQT FLC và đảm nhận chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức đầu tháng 3/2023 cho đến nay.

Ngày 29/9, ông Ngô Đặng Hoàng Anh có đơn từ nhiệm chức Thành viên HĐQT với lý do cá nhân.

Trước đó, FLC tiến hành miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với ông Nguyễn Thế Chung từ ngày 18/9/2024 do ông Chung có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động.

Ở chiều ngược lại, ông Vũ Đình Cảnh được bổ nhiệm giữ vị trí này thay ông Chung kể từ ngày 18/9/2024.

Ngày 22/8, bà Trần Thị Hương cũng có đơn từ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc thường trực, Người phụ trách quản trị Công ty và Thành viên HĐQT FLC.

Chứng khoán Rồng Việt dự kiến phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 10

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (mã: VDS) mới đây công bố Nghị quyết của HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu lần thứ tư năm 2024.

Theo phương án này, lô trái phiếu dự kiến phát hành có mã VDSH2425004 gồm 9.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành 900 tỷ đồng.

Lô trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, thời gian phát hành dự kiến từ ngày 9/10. Lãi suất cố định 8,2%/năm. Thanh toán lãi định kỳ 1 tháng/lần.

Trái phiếu được chào bán cho nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Với 900 tỷ đồng dự kiến huy động được, Rồng Việt sẽ dùng để cơ cấu lại nợ, bao gồm việc thanh toán gốc trái phiếu đến hạn, mua lại trước hạn hoặc thanh toán một phần/toàn bộ nợ vay ngân hàng đáo hạn/trước hạn.

Trong thời gian chưa đến hạn thanh toán gốc trái phiếu hoặc nợ ngân hàng, công ty sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu để gửi tiết kiệm hoặc để trên tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.

Tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và khả năng về vốn, VDS có thể thực hiện mua lại trước hạn một phần trái phiếu sau 6 tháng kể từ ngày phát hành và lãi suất mua lại tối đa là 6,9%/ năm.

Trước đó, Rồng Việt đã phát hành 3 lô trái phiếu từ đầu năm đến nay gồm: Mã VDSH2425001 trị giá 500 tỷ đồng, mã VDSH2425002 trị giá 800 tỷ đồng và mã VDSH2425003 trị giá 889 tỷ đồng.

Ngược lại, từ đầu năm đến nay, Rồng Việt đã ba lần chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, ngày 16/5 mua lại 283,1 tỷ đồng mã trái phiếu VDSH2324002, giá trị còn lại là 415,5 tỷ đồng.

Tiếp đến ngày 23/7 công ty mua lại 237,3 tỷ đồng mã trái phiếu VDSH2324003, giá trị còn lại 545,2 tỷ đồng. Gần nhất ngày 29/8, VDS mua lại 200 triệu đồng mã trái phiếu VDSH2324004, giá trị còn lại là 749,8 tỷ đồng.

Hơn 23.700 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ 50.665 tỷ đồng

Bản tin kinh tế ngày 7/10/2024- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị.

Tại Hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác thuế tháng 9, kế hoạch triển khai nhiệm vụ và chương trình công tác thuế tháng 10 năm 2024 do Tổng cục Thuế tổ chức, cơ quan thuế đã có những báo cáo về kết quả công tác thuế 9 tháng năm 2024.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, trong tháng 9/2024, bên cạnh việc tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu (đặc biệt là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bất động sản,...), phòng chống nạn mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn, ngành Thuế tích cực thực hiện, hướng dẫn các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp (DN) kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đã nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ người nộp thuế chịu thiệt hại nghiêm trọng của Bão số 3 và mưa lũ, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, công tác kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành được giữ vững với quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế tháng 9 năm 2024, tổng thu NSNN tháng 9/2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 79.100 tỷ đồng, bằng 5,3% so với dự toán, bằng 101,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 4.800 tỷ đồng, bằng 10,4% so với dự toán, bằng 89,5% so với cùng kỳ; Thu nội địa ước đạt 74.300 tỷ đồng, bằng 5,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 102,6% so với cùng kỳ (thu thuế, phí nội địa ước đạt 58.100 tỷ đồng, bằng 5,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 100% so với cùng kỳ).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.229.788 tỷ đồng, bằng 82,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,1% so với cùng kỳ.

Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 9 tháng đầu năm 2024 là khoảng 102.676 tỷ đồng trong đó tổng số thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn theo Nghị định 64/2024/NĐ-CP, Nghị định 65/2024/NĐ-CP khoảng 47.660 tỷ đồng. Số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 55.016 tỷ đồng (giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, Nghị định 94/2023/NĐ-CP, Nghị định 72/NĐ-CP khoảng 22.748 tỷ đồng, giảm thuế BVMT theo Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 dự ước là khoảng 29.284 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg dự ước là khoảng 2.460 tỷ đồng, Giảm phí lệ phí theo thông tư 44/2023/TT-BTC khoảng 24 tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP khoảng 500 tỷ đồng).

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tính từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/9/2024, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 44.670 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 67,03% kế hoạch năm 2024 (44.670 DN/66.639 DN) và bằng 98,43% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 365.344 hồ sơ bằng 82,44% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 46.779,18 tỷ đồng bằng 103,78% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.392,48 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.913,33 tỷ đồng; giảm lỗ là 32.473,37 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 7.867,2 tỷ đồng, bằng 69,06% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.

Đối với công tác quản lý nợ thuế, thu nợ thuế trong tháng 9/2024 ước đạt 2.321 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng ước thu được 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023 (trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 52.408 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.684 tỷ đồng).

Về tình hình thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, thống kê từ năm 2023 đến tháng 9 năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Về việc triển khai hóa đơn điện tử, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý là 10,04 tỷ hóa đơn, trong đó hóa đơn có mã: 2,5 tỷ; hóa đơn không mã: 6,67 tỷ; hóa đơn từng lần phát sinh và hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền: 0,87 tỷ.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 9/2024 giảm mạnh

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tăng thêm gần 160.000 tài khoản trong tháng 9/2024, chủ yếu đến từ cá nhân khi lên tới 158.212 tài khoản, trong khi tổ chức chỉ có thêm 90 tài khoản.

Đây là tháng có số lượng tài khoản mở mới thấp nhất kể từ tháng 3/2024 đến nay và giảm tới 52% so với số tài khoản mở mới trong tháng 8 vừa qua.

Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng 1,57 triệu tài khoản. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,8 triệu tài khoản, tương đương gần 9% dân số. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030 theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.

Số lượng tài khoản mở mới giảm tốc trong bối cảnh chỉ số VN-Index nhiều lần lỡ hẹn ngưỡng cản 1.300 điểm và thanh khoản thị trường chứng khoán cũng không cao.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.287,94 điểm, VN30 đạt 1.352,56 điểm. So với cuối tháng 8/2024, chỉ số VNIndex, VN30 đều ghi nhận tăng nhẹ, lần lượt là 0,32% và 1,58%.

Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 643 triệu cổ phiếu/ngày với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 15.918 tỷ đồng/ngày; tương ứng giảm 0,95% về khối lượng và 3,39% về giá trị so với tháng 8/2024.

Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 9/2024 đạt trên 70.258 tỷ đồng, chiếm hơn 11,61% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.316 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT