Báo cáo Thủ tướng công tác gỡ khó cho Bamboo Airways trước ngày 15/9

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành gỡ khó cho Bamboo Airways về vấn đề vốn, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới và tăng quy mô đội tàu bay. Các bên báo cáo kết quả xử lý vấn đề này trước ngày 15/9.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý kiến nghị của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh; chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu báo cáo của Bamboo để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này; báo cáo Thủ tướng về kết quả xử lý trước ngày 15/9.

bao-cao-thu-tuong-cong-tac-go-kho-cho-bamboo-airways-truoc-ngay-15-9-1692583779.jpeg
Bamboo Airways đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính

Trong đó, vai trò của Bộ GTVT liên quan đến việc duy trì điều kiện hoạt động của Bamboo Airways để bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan như nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước...

Bộ Kế hoạch & Đầu tư được chỉ đạo giải quyết vướng mắc của hãng trong việc thẩm định cho phép tăng quy mô đội máy bay lên trên 30 chiếc. Bamboo cho rằng quá trình thẩm định này bị kéo dài, làm chậm đà phục hồi và phát triển cũng như mất cơ hội kinh doanh của hãng. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện.

Thủ tướng yêu cầu các bên báo cáo kết quả xử lý vấn đề này trước ngày 15/9.

Trước đó, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng vào ngày 5/7, Bamboo Airways nêu tình hình tài chính bi đát, khó khăn tới mức "nguy cơ hãng phải phá sản, dừng bay luôn cận kề".

Sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, hãng đã tìm được nhóm nhà đầu tư mới và tiến hành chuyển một lượng cổ phần từ ông Quyết sang cho các nhà đầu tư mới gồm ông Doãn Hữu Đoàn, Lê Thái Sâm và bà Nguyễn Ngọc Linh. Tuy nhiên, công tác chuyển nhượng cổ phần kéo dài, phải thực hiện nhiều thủ tục với nhiều bên liên quan.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways nêu ra một số khó khăn khác như việc vẫn phải giới hạn số lượng máy bay khai thác là 30 chiếc, chưa được phê duyệt tăng thêm; khó vay tiền với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng...

Về hoạt động bay, Bamboo cũng bị các nhà cung cấp dịch vụ mặt đất, nhiên liệu, chủ cho thuê máy bay... gây sức ép, dọa cắt dịch vụ để yêu cầu hãng thanh toán nợ.

Trước những khó khăn nêu trên, Bamboo Airways thừa nhận nhóm nhà đầu tư mới cũng không còn nguồn lực để tiếp tục tái cơ cấu. 

Giữa tháng 7, mạng xã hội xuất hiện nhiều tin đồn về việc hãng bay này xin phá sản. Chiều 14/7, Bamboo Airways phát đi thông cáo báo chí về hoạt động của hãng bay này trong thời gian gần đây.

Theo thông cáo này, Bamboo Airways cho biết, trong thời gian vừa qua, hãng đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.

"Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực để tiếp tục phụng sự khách hàng, đem tới dịch vụ hàng không chất lượng cao, hiếu khách, tận tâm", thông cáo nêu rõ.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT