Bảo hiểm PTI kinh doanh sa sút dưới thời Chủ tịch Phạm Minh Hương
Trong năm 2022, Bảo hiểm PTI lỗ sau thuế hơn 347 tỷ đồng, giảm 235% so với cùng kỳ. Đây là năm đầu tiên Chủ tịch Phạm Minh Hương điều hành Bảo hiểm PTI và cũng là năm đầu tiên công ty báo lỗ trong vòng 10 năm qua.
Từ cuối năm 2021, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã thoái toàn bộ vốn khỏi Tổng CTCP bảo hiểm Bưu điện (MCK: PTI). Việc VNPost thoái vốn được đánh giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Bảo hiểm Bưu điện khi không còn sự “hậu thuẫn” từ việc triển khai bán hàng qua hệ thống bưu điện trên khắp cả nước.
Sau khi VNPost thoái vốn, nhóm cổ đông mới có liên quan đến bà Phạm Minh Hương – cựu Chủ tịch HĐQT của VNDirect, nắm đến 42,33% tỷ lệ sở hữu. Để rồi, tháng 3/2022, bà Hương chính thức trở thành Chủ tịch Bảo hiểm PTI.
Dưới thời bà Hương, nhiều khoản chi của PTI tăng mạnh khiến kết quả kinh doanh của công ty đi xuống dẫn đến lỗ sau thuế năm 2022 ở mức hơn 347 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 của Bảo hiểm PTI, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 5.153 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong khi, doanh thu từ kinh doanh bất động sản lại giảm mạnh từ 39,7 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 13,6 tỷ đồng trong năm 2022.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Bảo hiểm PTI cũng giảm 18% so với cùng kỳ. Trong khi, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại tăng mạnh từ 4.558 tỷ đồng lên 5.353 tỷ đồng (tăng 17%). Ngoài ra, chi phí hoạt động tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác đều tăng dẫn đến lợi nhuận trước thuế của công ty ở mức âm 343,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 347,4 tỷ đồng (giảm 235% so với năm 2021).
Theo giải trình của Bảo hiểm PTI, trong năm 2022 công ty phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” số tiền 353,165 tỷ đồng; ngoài ra, cả nước đã duy trì tình trạng bình thường mới với dịch bệnh Covid-19 (không còn áp dụng chính sách giãn cách xã hội như năm trước), theo đó chi phí bồi thường của PTI tăng mạnh so với năm trước gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh. Tổng chi phí bồi thường bảo hiểm năm 2022 tăng 489,951 tỷ đồng, tương đương tăng 28% so với năm trước.
Đây là năm đầu tiên Chủ tịch Phạm Minh Hương điều hành Bảo hiểm PTI và cũng là năm đầu tiên trong 10 năm qua công ty này kinh doanh thua lỗ.
Trong thuyết minh của Bảo hiểm PTI cho thấy, dưới thời Chủ tịch Phạm Minh Hương, công ty này đã đầu tư mạnh cho việc quảng cáo tiếp thị khi chi đến gần 373 tỷ đồng (gấp 16,22 lần so với năm 2021). Chi phí này được hạch toán vào chi phí kinh doanh bảo hiểm, cũng đóng góp một phần trong việc kinh doanh thua lỗ năm 2022.
Với việc kinh doanh thua lỗ trong năm 2022 sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong những năm tiếp theo của Bảo hiểm PTI. Bởi với kết quả này doanh nghiệp của Chủ tịch Phạm Minh Hương sẽ không thể tham dự các gói thầu bảo hiểm.
Gần đây, Bảo hiểm PTI đã bị loại khỏi gói thầu bảo hiểm thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 13, đoạn Km6+840 - Km25+00 do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk do chỉ số ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) không đạt.
Ngoài ra, việc kinh doanh thua lỗ khiến uy tín của bà Phạm Minh Hương tại Bảo hiểm PTI sẽ bị giảm sút, dù cho nhóm VNDirect của bà đang là cổ đông lớn nhất.
Còn nhớ, tại ĐHCĐ thường niên 2022, kế hoạch tăng vốn cho công ty - đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương đề xuất đã bị 2 cổ đông là DB Insurance, Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam phủ quyết.
Cụ thể, HĐQT Bảo hiểm PTI đã đề xuất 3 tờ trình tăng vốn điều lệ, thông qua phát hành mới cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 1:1 (giá 10.000 đồng/cổ phiếu), phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỉ lệ 120%, và phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP tỉ lệ 2% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu hoàn tất các phương án tăng vốn kể trên, quy mô vốn điều lệ của Bảo hiểm PTI sẽ tăng ít nhất 3 lần, từ 803,9 tỷ đồng lên 2.572,5 tỷ đồng, qua đó vượt lên nhóm đầu về vốn điều lệ trong top 10 công ty bảo hiểm, chỉ đứng sau Bảo hiểm Bảo Việt (với quy mô vốn điều lệ tại ngày 31/12/2021 là 2.900 tỷ đồng, theo tờ trình của HĐQT Bảo hiểm PTI).
Tuy nhiên, cả 3 tờ trình tăng vốn nêu trên chỉ nhận được tỉ lệ biểu quyết tán thành từ 51 – 55,9% tổng số phiếu có quyền biểu quyết tham dự đại hội, thấp hơn tỉ lệ tối thiểu 65%, do vậy đều không được thông qua.