Bất động sản Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Khánh Hòa có diễn biến lạ
Thị trường Bắc Giang (cũ) phát triển nóng, nhất là trong khoảng thời gian đầu tháng 4.
Thông tin tại báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ông Nguyễn Đình Cương, Trưởng Ban Nghiên cứu Thị trường & Tư vấn Xúc tiến Đầu tư (VARS) cho biết, ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có thị trường Bắc Giang (cũ) phát triển nóng, nhất là trong khoảng thời gian đầu tháng 4.

Sau khi có thông tin sáp nhập Bắc Giang, Bắc Ninh thành lập tỉnh mới mang tên Bắc Ninh, trung tâm hành chính đặt ở Bắc Giang, nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang Bắc Giang (cũ).
Ông Cương cho biết, trong 2 tuần cao điểm, giá bất động sản tăng 20 - 30%. Chủ đầu tư tận dụng sóng ra hàng, tăng giá 10 - 20% trong 1 đêm vẫn bán tốt. Tuy nhiên, ngay tuần sau đó, thanh khoản đã chững lại trên mặt bằng giá mới.
Còn tại khu vực của tỉnh Bắc Ninh cũ, thị trường không có nguồn cung mới, nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang Bắc Giang (cũ).
Tại Lạng Sơn, nhu cầu nhà ở xã hội ghi nhận tăng đột biến.
Với khu vực Duyên hải Bắc Bộ, thị trường giao dịch sôi động trong khoảng tháng 3 - 4 rồi đi ngang. Nhà thổ cư trong dân thanh khoản tốt, giá không có nhiều biến động
Điểm sáng nổi bật của thị trường này là cuối quý 2, dòng tiền đổ mạnh về dự án của Vinhomes tại phía Nam TP Hải Phòng là Vinhomes Golden City. VARS dự báo Hải Phòng hứa hẹn trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước trong giai đoạn tới trong bối cảnh sáp nhập, mở ộng không gian phát triển.
Tại khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận, thị trường tiếp tục sôi động. ác dự án mở bán giá ngày càng tăng nhưng vẫn được hấp thụ tốt. Giá thứ cấp tăng trưởng trở lại do ăn theo mặt bằng giá sơ cấp, song thanh khoản không có nhiều cải thiện.
Bất động sản Hà Nam tiếp tục ghi nhận giao dịch tốt, với cả sản phẩm trong dự án lẫn đất nền thổ cư.
Ở Hải Dương, giá bất động sản ghi nhận giảm do nhà đầu tư đón sóng sáp nhập cắt lỗ.
Vào đến khu vực Trung Trung Bộ, các dự án mở bán tiếp tục được hấp thụ tốt, nguồn cung chủ yếu là căn hộ cao cấp. Giá bán ghi nhận tăng, còn cách mức đỉnh từng đạt vào năm 2019 khoảng 15 - 20%. Một số dòng sản phẩm như villa lưu trú, khách sạn, căn hộ có giá thuê tăng 30 - 40%.
Nhà ở xã hội Đà Nẵng thiếu quỹ đất, chủ đầu tư chưa đủ năng lực.
Tại Quảng Nam, quỹ đất ven biển còn rộng nhưng chưa thu hút đầu tư do hạ tầng chưa phát triển. Ngoài ra, thị trường không bị ảnh hưởng bởi thông tin thành lập khu thương mại tự do.
Tại Tây Nguyên, thị trường Đắk Lắk ghi nhận phục hồi chậm, giá bất động sản tại khu vực trung tâm tăng 15 - 30% nhờ nhu cầu ở thực tăng cao và tâm lý đón đầu của nhà đầu tư trước thông tin sáp nhập.
Thị trường Lâm Đồng gia tăng nguồn cung (nhất là với đất nền), tốc độ hấp thụ chậm lại.
Ở Khánh Hoà, giao dịch nhà phố trung tâm và các khu đô thị cải thiện. Hơn 50% giao dịch là nhu cầu đầu cơ, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao. Giá thuê mặt bằng, căn hộ tăng 10 - 20% nhờ du lịch phục hồi. Một số doanh nghiệp sử dụng vốn vay sản xuất, kinh doanh để đầu tư địa ốc.
Thị trường TP.HCM và các vùng phụ cận ghi nhận nguồn cung tăng mạnh với loạt dự án khởi công, triển khai sau khi được gỡ vướng mắc pháp lý. Sản phẩm chủ yếu đến từ các dự án tại Long An (cũ) và Bình Dương (cũ).
Các dự án mở bán đều có mức giá tương đối hợp lý. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức tốt nhờ nhu cầu thị trường bị nén trong suốt thời gian qua và đón nhận dòng tiền đầu tư từ miền Bắc.
Với khu vực Tây Nam Bộ, nguồn cung bất động sản cũng tăng mạnh, chủ yếu tập trung tại Long An (cũ) và Cần Thơ. Giao dịch cải thiện, tăng 40 - 50% so với quý I. Các sản phẩm nhà ở xã hội, đất nền tại trung tâm thành phố được hấp thụ tốt. Những tỉnh, thành là trung tâm hành chính sau sáp nhập như Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá (An Giang) ghi nhận mức giá tăng từ 10 - 15% trong quý II.
Phương Hoàng