Bất động sản Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có diễn biến lạ sau thông tin sáp nhập
Gần đây, nhiều người Vĩnh Phúc "săn" nhà đất tại TP Việt Trì đón trước làn sóng sáp nhập để đầu tư, thậm chí phục vụ cho công việc sau này.
Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương dự kiến hợp nhất 3 tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Việt Trì hiện nay. Dự thảo đề án nêu rõ, sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 9.437,46km2, dân số khoảng 3,6 triệu người.
Theo kế hoạch, trước ngày 25/4 sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri (đại diện hộ gia đình) về đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Trước ngày 1/5, ban chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ đề án và tờ trình gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ.
Trước thông tin trung tâm hành chính - chính trị mới dự kiến đặt tại TP Việt Trì sau sáp nhập đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản. Chị Hoàng Quyên, môi giới một sàn giao dịch bất động sản Phú Thọ cho biết, giá đất tại TP Việt Trì - nơi dự kiến đặt trung tâm hành chính chính trị đang tăng rất mạnh. Trong đó, những phường như Thanh Miếu, Gia Cẩm, Trưng Vương, Bạch Hạc, Sông Lô, Thọ Sơn… gần UBND, Đại học Hùng Vương, Bệnh viện Sản Nhi, trung tâm hành chính là khu vực ghi nhận mức giá tăng cao nhất.
Môi giới này ví dụ, vào thời điểm tháng 7 năm ngoái, một người thân của chị mua lô đất gần Đại học Hùng Vương, view hồ có giá 2,2 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại đã lên 3,1 tỷ đồng, tăng hơn 40% chưa đầy một năm.
Cũng theo chị Quyên, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nhà đất tại Phú Thọ, không chỉ xem nhà đất ở TP Việt Trì mà còn đổ ra các huyện. Nhóm đầu tư này chủ yếu đến từ Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Nội.
Đáng chú ý, chị Quyên thông tin nhóm khách mua là người Vĩnh Phúc "săn" nhà đất tại TP Việt Trì khá nhiều. "Họ bán đất đầu tư ở nhiều nơi để dồn tiền về gom đất tại Việt Trì với mục đích nhằm phục vụ cho công việc sau sáp nhập tỉnh, đồng thời là cơ hội để đầu cơ", chị chia sẻ.
Tuần cao điểm gần đây, môi giới tiết lộ một ngày chốt 1-2 giao dịch là bình thường. Nếu so với đầu năm 2025, chị Quyên nhận thấy mức giá đều tăng 20-50%, tùy vào vị trí. Một số khách hàng vừa bán những lô đất giá 4,8-5 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái.
"Không chỉ Phú Thọ mà tại các địa phương có thông tin sáp nhập, thị trường bất động sản cũng rất nhộn nhịp, làn sóng bắt đầu trở lại", môi giới này nhìn nhận và lưu ý nhà đầu tư thời điểm hiện nay nên cẩn trọng bởi nhiều "cò tự do" kênh giá để bán lên rất nhiều.
Tương tự, anh Toàn, môi giới nhà đất tại Phú Thọ kể từ đầu tháng 3 đến nay, lượng nhà đầu tư đổ về TP Việt Trì nhiều. Cách đây vài năm những dự án đẹp, dù gần quốc lộ cũng vắng bóng người nhưng nay rất nhiều nhóm tìm đến hỏi mua, không chỉ người trong tỉnh mà khá nhiều ô tô biển số Hà Nội đỗ kín đường.
Theo anh Toàn, nguyên nhân của việc này bởi thông tin sáp nhập tỉnh thành khiến đất nền sôi động hơn. Tại khu đô thị Bến Gót (phường Thọ Sơn), giá đất đang tăng theo ngày. Một tháng trước, những ô đất có diện tích 90m2 giá khoảng 1,5 tỷ đồng hiện tại có giá lên 2,05 tỷ (tăng hơn 30%); ô đất 105m2 giá 1,65 tỷ hiện tại đã tăng lên 2,5 tỷ (tăng hơn 50%).
Tại một số khu vực khác thuộc Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì 5-7km, giá đất nền cũng ghi nhận sự sôi động so với thời điểm trước Tết.
Đánh giá cơ hội đầu tư từ sáp nhập tỉnh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho rằng, nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố về kinh tế, văn hóa, hạ tầng và quản lý. Giá trị bất động sản chỉ thực sự được tác động tích cực khi hưởng đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư. Người mua nên tránh tâm lý "lướt sóng" theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Đầu tư có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu, và tính tương thích vùng sẽ là chìa khóa để tránh rủi ro.
Nhận định diễn biến tăng giá đất theo biến động quy hoạch không mới với thị trường bất động sản Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lịch sử cho thấy mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý Fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) của nhà đầu tư.
Theo ông Đính, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản, có thể hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung, nhất là ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua nhà với mức giá hợp lý hơn.
Tuy nhiên, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội. Nếu chỉ tăng theo thông tin đồn đoán về hạ tầng, quy hoạch rất dễ rủi ro chôn vốn, thua lỗ.
Nhật Anh