‘Bắt mạch’ tiêu dùng từ việc người Nghệ An mua ô tô nhiều Top 3 Việt Nam: Tầng lớp trung lưu mới nổi khiến DN nước ngoài tìm kiếm cơ hội sinh lời

Nghệ An tiếp tục lọt top 3 địa phương mua xe cao nhất cả nước, chỉ xếp sau Hà Nội và TPHCM. Trong nhiều năm, Nghệ An và Thanh Hóa đều xếp vị trí cao trong nhóm các tỉnh thành mua ô tô nhiều nhất Việt Nam. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới nổi đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội sinh lời nhờ nhu cầu gia tăng chi tiêu của người Việt Nam, theo HSBC.

‘Bắt mạch’ tiêu dùng từ việc người Nghệ An mua ô tô nhiều Top 3 Việt Nam: Tầng lớp trung lưu mới nổi khiến DN nước ngoài tìm kiếm cơ hội sinh lời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong ngắn hạn, chúng tôi tin rằng những xu hướng cơ cấu còn tiếp tục hứa hẹn đối với Việt Nam", báo cáo Vietnam at a glance: "Bắt mạch" người tiêu dùng của HSBC cho biết.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhìn nhận với sự phát triển ấn tượng trong vòng 20 năm qua, sự gia tăng nói chung về tài sản đã thúc đẩy xu hướng tiêu dùng mạnh hơn, kích thích sự chuyển dịch sang hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu. 

Xem xét xu hướng chi tiêu không thiết yếu, HSBC nghiên cứu lựa chọn mua hàng của người dân và thấy rằng: Mặc dù tỷ lệ xe gắn máy trong vai trò phương tiện giao thông cá nhân vẫn còn cao ở Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu xe lên đến 70%, số lượng mua ô tô đang dần tăng lên. 

Năm 2023, số lượng ô tô từ 9 chỗ trở xuống được mua và đăng kiểm lần đầu đạt 296.745 xe. Trong đó, Hà Nội là địa phương có lượng mua ô tô nhiều nhất với 46.330 xe, thứ hai là TPHCM với 39.132 xe, thứ 3 là Nghệ An với 10.304 xe, theo dữ liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Nghệ An và Thanh Hóa nhiều năm đều xếp vị trí cao về mua ô tô, mặc dù thu nhập bình quân đầu người chưa cao bằng các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng...

‘Bắt mạch’ tiêu dùng từ việc người Nghệ An mua ô tô nhiều Top 3 Việt Nam: Tầng lớp trung lưu mới nổi khiến DN nước ngoài tìm kiếm cơ hội sinh lời - Ảnh 2.

Bên cạnh lượng mua ô tô, xu hướng mua chủng loại ô tô cũng xuất hiện dấu hiệu khác biệt. Sedan - dòng ô tô nhỏ 4 - 5 chỗ - được người Việt ưa chuộng những năm 2016 - 2019, đã dần nhường chỗ cho dòng xe SUV - xe thể thao đa dụng dành cho gia đình từ 5 - 7 chỗ.

‘Bắt mạch’ tiêu dùng từ việc người Nghệ An mua ô tô nhiều Top 3 Việt Nam: Tầng lớp trung lưu mới nổi khiến DN nước ngoài tìm kiếm cơ hội sinh lời - Ảnh 3.

Mặc dù giá thành đắt hơn, lượng mua xe SUV đã vượt lượng mua xe sedan trong năm 2023.  HSBC cho biết đây không phải hiện tượng mới xuất hiện gần đây. Thực tế, thu nhập bình quân đã tăng nhanh hơn mức chi tiêu trong những năm qua, giúp trợ lực cho tiêu dùng gia tăng.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới nổi đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội sinh lời nhờ nhu cầu gia tăng chi tiêu của người Việt Nam. Dòng FDI từ Nhật Bản đổ vào lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tài chính đã tăng mạnh chính là một ví dụ đáng chú ý. 

Mặc dù tài sản của người dân đang gia tăng, gần 80% dân số vẫn chưa hoặc tiếp cận dịch vụ ngân hàng chưa đầy đủ, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank - ADB). Dữ liệu về Tài chính Toàn diện mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng minh chứng cho điều này, cho thấy Việt Nam sở hữu tiềm năng đáng kể để phát triển các kênh cho vay chính thống, vốn vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển.

‘Bắt mạch’ tiêu dùng từ việc người Nghệ An mua ô tô nhiều Top 3 Việt Nam: Tầng lớp trung lưu mới nổi khiến DN nước ngoài tìm kiếm cơ hội sinh lời - Ảnh 4.

Mặc dù tiềm năng có vẻ sáng sủa, HSBC cho rằng Việt Nam cần lưu tâm tới nợ của hộ gia đình gia tăng. 

"Mặc dù không có dữ liệu để đo lường ở Việt Nam, chúng tôi đã ước tính thông qua phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng lớn, vốn có thể bao gồm những khoản vay cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong giai đoạn 2013-2022, nợ của hộ gia đình tăng mạnh, từ 28% GDP lên 50% GDP".

"Điều may mắn là chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2023, chẳng hạn như gia hạn thời gian giảm thuế, cắt giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ", báo cáo của HSBC cho biết.

HSBC nhìn nhận tâm lý còn thận trọng nhưng đang cải thiện đối với lĩnh vực bất động sản sẽ thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng nói chung. Trong khi đó, triển vọng tốt lên của thị trường lao động sẽ hỗ trợ tăng trưởng lương, từ đó cải thiện khả năng trả nợ của hộ gia đình.

 

Bình An

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT